Nhà nước và cử tri

Sửa đổi Luật Thanh tra:Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của thanh tra

HUỲNH NGỌC THANH 22/05/2025 19:26

(QNO) - Sáng 22/5, tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

e2f16423-b456-4078-a4fe-2dee38a31fa4.jpg
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: HUỲNH NGỌC THANH

Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành và triển khai thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa Thanh tra Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa thanh tra tỉnh với các sở, ngành khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống các cơ quan thanh tra; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả...

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo luật, đồng thời tham gia một số nội dung như sau:

Thứ nhất: Về nguyên tắc hoạt động thanh tra (Điều 4), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc “không trùng lặp hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử” cho phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa các hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, tạo thuận lợi trong thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Thứ hai: Quy định tại Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 6, Điều 6 của dự thảo luật hành vi “thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra” là các hành vi bị nghiêm cấm. Vì trên thực tế, các hành vi này có thể xảy ra, tác động làm cản trở, thay đổi nội dung thanh tra và kết quả thanh tra.

Thứ ba: Tại Điều 17, để phù hợp và thống nhất về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại khoản 3, Điều 14 của dự thảo luật này, đề nghị bổ sung thêm 1 khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chánh thanh tra tỉnh về “Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

Thứ tư: Tại khoản 3, Điều 27 quy định “Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải là người có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt, không có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra”.

Theo đại biểu, quy định cụm từ “xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra” nếu không được giải thích rõ sẽ rất khó hiểu và dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra” tại Điều 2 để dễ hiểu và thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa về bố cục, điều chỉnh một số nội dung theo hướng tích hợp tại các Điều 32 (giám sát Đoàn thanh tra), Điều 37 (công khai kết luận thanh tra) cho đảm bảo cấu trúc chặt chẽ của văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời đề nghị bổ sung từ “lãng phí” vào cụm từ “phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” cho thống nhất với các nội dung trong dự thảo luật và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sửa đổi Luật Thanh tra: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của thanh tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO