Quốc hội thảo luận về Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
(QNO) - Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết.
Đối với dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 2 quy định đối tượng áp dụng của luật này là “cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc” còn mang tính chung chung, mơ hồ về chủ thể có liên quan là ai và có tác động như thế nào đến lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định này, tránh nhiều cách hiểu và nhiều cách áp dụng pháp luật khi luật được thông qua.
Về chế độ, chính sách (Điều 25), đại biểu cho rằng trong thời đại mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong nước và quốc tế, trong đó nổi bật là hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, đứng trước không ít thách thức và hiểm nguy.
Do đó, để đảm bảo sự quan tâm của Đảng và Nhà nước không chỉ dành riêng cho bản thân lực lượng này mà cả thân nhân của họ để họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung chế độ, chính sách, các phúc lợi liên quan đối với thân nhân của người hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ tại lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp (về vị trí việc làm, cơ chế đặc cách…) cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khi hết nhiệm kỳ công tác và thôi làm nhiệm vụ trở về nước.

Liên quan dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng đây là nghị quyết rất quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, để nghị quyết sớm hiện thực vào cuộc sống thì các khung chính sách cần nghiên cứu ở phạm vi sâu hơn, rộng hơn, đột phá hơn nữa; đồng thời cần đi đôi với bố trí nguồn lực thỏa đáng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân.
Góp ý một số quy định cụ thể, tại khoản 2 Điều 8 về hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công, đại biểu đề nghị bổ sung thêm và quy định rõ tại khoản 2 là “Chính phủ quy định nguyên tắc, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách khung và đối tượng hỗ trợ tại khoản 1 Điều này” để đảm bảo thống nhất triển khai trên thực tiễn.
Tại khoản 4 Điều 10 quy định “Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”. Đại biểu đề xuất có thể tăng thời gian miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 5 năm “kể từ ngày doanh nghiệp đi vào hoạt động’’ thay vì quy định kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu như dự thảo cho phù hợp.
Đồng thời, đại biểu phân vân, đề nghị rà soát, xem xét quy định tại Điều 11 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, vì quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều 11 đang mâu thuẫn nhau (khoản 1 quy định ưu tiên, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu nhưng khoản 2 lại quy định tổ chức đấu thầu).