Chính phủ Thái Lan thúc đẩy “sức mạnh mềm” như thỏi nam châm thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Thái Lan hiện được xem như điểm đến hàng đầu Đông Nam Á. Mỗi năm, quốc gia này đón từ 25 - 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Du lịch Thái Lan phục hồi ấn tượng sau đại dịch khi đón 28 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái.
Theo đà đột phá, Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt mục tiêu thu hút khoảng 35 - 40 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2024 và mang về cho nền kinh tế xứ sở chùa vàng 3.000 tỷ baht, tương đương mức doanh thu trước đại dịch.
Một trong những yếu tố góp phần mang lại sức hút mạnh mẽ cho ngành “công nghiệp không khói” Thái Lan phải kể đến “sức mạnh mềm” mà chính phủ này đang vận hành. Cu thể, Thái Lan tích cực quảng bá du lịch thông qua ẩm thực, điện ảnh, thời trang, lễ hội và võ thuật.
Ví như, các món ẩm thực đường phố với hương vị chua, cay, ngọt là trải nghiệm không thể thiếu đối với du khách khi đến Thái Lan; trong khi ẩm thực cao cấp lại có giá cả hợp lý rất hấp dẫn du khách.
Sau khi UNESCO bổ sung lễ hội Songkran vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2023, Chính phủ Thái Lan tuyên bố biến Songkran thành lễ hội té nước toàn cầu kéo dài một tháng để thu hút khách du lịch quốc tế.
Dù theo truyền thống, lễ hội này diễn ra chỉ trong 5 ngày từ ngày 11 - 15/4. Và lễ hội Songkran cũng thu hút hơn 784 nghìn người tham gia, trong đó 92 nghìn lượt khách quốc tế.
Đầu năm ngoái, Thái Lan thu lợi 20 - 30 triệu USD từ đêm diễn của nhóm nhạc nữ K-pop đình đám Blackpink (Hàn Quốc). Thu nhập này đến từ các hoạt động lưu trú, vé máy bay, di chuyển, tiêu dùng của du khách trong 5 ngày trước và sau buổi biển diễn.
Du lịch phim ảnh cũng góp phần đưa hàng triệu khách quốc tế dừng chân Thái Lan. Chỉ tính riêng năm 2019, Thái Lan thu về gần 5 tỷ baht từ hàng trăm đoàn làm phim nước ngoài. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch vẫn có hơn 100 bộ phim quay tại Thái Lan để mang về khoảng 4,7 tỷ baht năm 2021 và 6,4 tỷ baht năm 2022 cho ngành du lịch.
Bên cạnh nền văn hóa đa dạng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự hiếu khách của người dân địa phương, chi phí sản xuất thấp, Thái Lan còn ưu đãi thuế, quy trình cấp thị thực và cấp giấy phép quay phim nhanh chóng...
Việc tung ra “sức mạnh mềm” giúp cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Thái Lan được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới. Năm 2022, tổng thu từ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sở tại của Thái Lan lên đến 1.500 nghìn tỷ baht. Nước này đặt mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế đất nước từ “quyền lực mềm” lên 3.450 tỷ baht vào năm 2027.
Chính phủ Thái Lan cũng vừa khởi động sáng kiến: Một gia đình - Một quyền lực mềm. Hy vọng tạo ra 20 triệu cơ hội việc làm với mức lương tối thiểu hằng năm 200 nghìn baht (138 triệu đồng)/lao động được kỳ vọng. Dự án từ sáng kiến cung cấp các khóa học nâng cao và tái đào tạo kỹ năng miễn phí cho công dân Thái Lan.
Chương trình chính thức bắt đầu vào tháng 6 tới, tập trung giảng dạy các kỹ năng nghề nghiệp trong các ngành cụ thể như thực phẩm, phim ảnh và kịch, âm nhạc, thể thao, thời trang, lễ hội, sách, trò chơi điện tử, du lịch và nghệ thuật. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban Quyền lực mềm với 12 tiểu ban gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực trên.
Bà Paetongtarn Shinawatra - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Quyền lực mềm của Thái Lan cho biết, chương trình “quyền lực mềm” là một phần của “đại chiến lược” kích cầu du lịch Thái Lan.
Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân, đưa Thái Lan từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao mà còn góp phần giúp Thái Lan trở thành thỏi nam châm thu hút khách du lịch, theo hướng tăng trưởng bền vững.