Công nghiệp

Sức sống mới ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc

VĨNH LỘC 12/03/2024 09:41

Sau giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) đã hồi sinh, phát triển, góp phần tạo thêm động lực về sự bứt phá tăng trưởng của kinh tế Quảng Nam trong năm 2024.

1b0ab7ce9cc0309e69d1.jpg
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Quốc Quang tăng trưởng, phát triển tốt. Ảnh: V.L

Nỗ lực tăng trưởng

Năm 2019, Công ty Quốc Quang (vốn đầu tư Trung Quốc) chính thức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử trên diện tích 4ha tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc.

Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng kết quả kinh doanh của đơn vị không ngừng tăng trưởng. Nếu năm 2021, tổng doanh thu Quốc Quang đạt 36,4 triệu USD thì đến năm 2023 đã tăng trên 86 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 670 lao động.

Tính đến tháng 2/2024 KCN Điện Nam - Điện Ngọc thu hút được 72 doanh nghiệp vào đầu tư (gồm 32 doanh nghiệp nước ngoài và 40 doanh nghiệp trong nước), tổng vốn đăng ký hơn 3.843 tỷ đồng và 537 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động. Năm 2023, các doanh nghiệp KCN Điện Nam - Điện Ngọc nộp thuế hơn 1.087 tỷ đồng, riêng 2 tháng đầu năm nay nộp hơn 80 tỷ đồng.

Ông Bàng Hạo Văn - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Quang cho biết, trong giai đoạn 2 đơn vị sẽ mở rộng quy mô sản xuất nhà máy tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc thêm 7ha, vốn đầu tư 90 triệu USD, đồng thời thu hút nhiều doanh nghiệp phụ trợ khác cùng đầu tư vào Quảng Nam.

Dự kiến trong lễ công bố quy hoạch tổng thể tỉnh Quảng Nam ngày 16/3 tới, Công ty Quốc Quang có thể được trao giấy phép chứng nhận đầu tư.

“Nếu hoạt động hết công suất, Công ty Quốc Quang sẽ cần khoảng 10 nghìn lao động, trong đó kỹ sư, cán bộ văn phòng kỹ thuật từ 1.000 - 1.500 người/. Thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với một số trường đại học tại Đà Nẵng để chuẩn bị nguồn nhân lực này” - ông Bàng Hạo Văn nói.

Khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc nhận thấy, tuy tốc độ tăng trưởng chưa cao nhưng nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

88aa9e32ad3c0162582d.jpg
Sức sống mới của doanh nghiệp tai KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: V.L

Tại Công ty TNHH Premo (vốn đầu tư Tây Ban Nha), tổng doanh thu năm 2023 đạt 690 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 750 lao động địa phương với mức thu nhập 7-15 triệu đồng/tháng (công nhân) và 8-22 triệu đồng/tháng (lao động gián tiếp và văn phòng).

Theo bà Trần Thị Định - Trưởng Bộ phận Tài chính, Công ty TNHH Premo, dù thấp hơn năm 2022 (737 tỷ đồng) nhưng so với năm 2020 (375 tỷ đồng) và 2021 (552 tỷ đồng) hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 vẫn được xem là khả quan.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Bên cạnh những điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn còn doanh nghiệp KCN chưa hết khó khăn. Điển hình như Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Gạch Đồng Tâm, Gỗ Cẩm Hà… Tình hình này không chỉ diễn ra tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc mà trở thành thực trạng của nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu Cục Thuế Quảng Nam, hai tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã có 595 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong khi chỉ có 143 doanh nghiệp thành lập mới.

9ce3c9e6dfe873b62af9.jpg
KCN Điện Nam - Điện Ngọc có 72 dự án doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: V.L

Trong chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo tỉnh tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc mới đây, ông Nguyễn Lành - Giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng nhìn nhận, hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp đã bắt đầu khởi sắc.

Tuy vậy, để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng, ngoài ban hành cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao đầu tư vào KCN, tỉnh cần có giải pháp linh hoạt, kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

“Bên cạnh 3 yếu tố quyết định thu hút đầu tư gồm hạ tầng, nhân lực và thể chế thì thủ tục hành chính rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư cho một dự án để triển khai xây dựng còn quá lâu nên các cơ quan liên quan của tỉnh nghiên cứu rút ngắn thời gian cấp phép tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp” - ông Lành nói.

Ông Lành cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp nhanh chóng giải quyết các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không hết diện tích hoặc dừng hoạt động kéo dài ảnh hưởng môi trường đầu tư và hiệu quả sử dụng đất.

0150b3ac8ea222fc7bb3.jpg
Năm 2023, các doanh nghiệp KCN Điện Nam - Điện Ngọc tạo việc làm cho 23 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.087 tỷ đồng. Ảnh: V.L

Ông Bàng Hạo Văn - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Quang chia sẻ, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Hiện tại miền Bắc và miền Nam đã bão hòa nên các địa phương miền Trung như Quảng Nam sẽ rất có cơ hội.

Địa phương cần quảng bá hơn nữa những lợi thế nhằm thu hút doanh nghiệp phụ trợ, nhà cung ứng cho ngành điện tử, chính sách về cấp phép lao động cho chuyên gia nước ngoài...

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Quảng Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động sản xuất, doanh nghiệp vướng chỗ nào tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ theo đúng quy định, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, tăng trưởng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống mới ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO