Giảm nghèo - An sinh

Sức sống mới trên huyện nghèo - Bài cuối: Khi cán bộ gần dân

HỒ QUÂN - LÊ DIỄM 14/06/2024 08:26

Trách nhiệm với công việc và linh hoạt trong xây dựng giải pháp, dấu ấn của đội ngũ cán bộ đảng viên công tác tại địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của huyện Nam Trà My đang hình thành rõ nét bằng những mô hình, phần việc cụ thể. Họ đang trở thành người có uy tín của bản làng, đưa chủ trương, chính sách đến gần hơn với người dân.

TRA DON
Sắp xếp dân cư ở xã Trà Don. Ảnh: Q.L

Đột phá cho xã nghèo

Luân chuyển cán bộ từ huyện về đảm nhận các chức danh chủ chốt ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, sẽ giúp cán bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ở môi trường mới này, cán bộ cần có bản lĩnh, sự nhạy bén, sâu sát cơ sở.

“Phải gần dân, lắng nghe, thấu hiểu và hành động bằng giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện, tập quán của người dân. Đó là nhiệm vụ đầu tiên, cần thiết để nắm bắt rõ nhất tình hình của xã” - ông Lê Trung Thực, Chủ tịch UBND xã Trà Don chia sẻ về những ngày đầu luân chuyển từ vị trí Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nam Trà My về xã nhận nhiệm vụ mới.

Ông Thực thừa nhận, công tác tại cơ sở giúp bản thân thấu hiểu hơn về những phần việc mà ở vị trí chuyên môn trước kia chưa được tiếp cận. Mỗi ngày lại phát sinh vấn đề mới, buộc người lãnh đạo không ngừng tiếp cận, học hỏi từ cán bộ và nhân dân địa phương để giải quyết.

“Còn nhiều trở ngại trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, như thiên tai, hạ tầng, điện chưa đồng bộ… Do đó, Trà Don muốn triển khai chính sách gì phải vạch ra những khó khăn trước rồi mới tính đến giải pháp thực hiện” - ông Thực nói.

Ngay đầu nhiệm kỳ, ông Thực đã cùng Đảng bộ, chính quyền xã Trà Don xác định việc cần làm ngay là sắp xếp dân cư. Quan điểm là khi người dân ổn định chỗ ở, đồng bộ hạ tầng, phòng tránh thiên tai thì mới tính đến chuyện giảm nghèo, phát triển kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, có 6 khu dân cư ở Trà Don được sắp xếp, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

TRA CANG
Đồng bào Xê Đăng ở Trà Cang gìn giữ văn hóa truyền thống. Ảnh:Q.L

Ấn tượng nhất phải nói đến khu dân cư Tắk Tố (thôn 3). Năm 2021, làng cũ của 51 hộ dân có nguy cơ sạt lở buộc phải di dời khẩn cấp. Áp ngay Nghị quyết số 23/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025 vào thực tiễn địa phương, Trà Don nhanh chóng xây dựng phương án dời dân về nơi an toàn.

Kinh nghiệm của người chuyên môn trong lĩnh vực tài chính đã được ông Thực phát huy hiệu quả. Tháng 8/2023, người dân hoàn thành việc dựng lại nhà mới. Đường bê tông, điện, nước sinh hoạt từng bước được đầu tư đồng bộ.

Ngay sau sắp xếp dân cư, ông Thực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai 8 mô hình trồng trọt với 311 hộ dân tham gia; 5 mô hình chăn nuôi tập trung với 67 hộ dân tham gia.

Ông Thực nói: “Mô hình hỗ trợ sinh kế cho nhóm hộ phải dựa trên tập quán của người dân là nương tựa, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau từ xưa đến nay.

Khi làm chung trong một nhóm hộ, trách nhiệm được phân công rõ ràng, cùng nhau thoát nghèo bền vững vì người này sẽ làm gương và động lực cho người kia. Từ đó, họ nhìn nhau để cùng cố gắng, chịu trách nhiệm chung. Bằng nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn 146 hộ nghèo (tỷ lệ 23%), 118 hộ cận nghèo (tỷ lệ 18,6%).

TRA CANG 4
Đồng bào vùng cao siêng năng lao động, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Q.L

Tạo dựng niềm tin trong nhân dân

Ở vùng cao, văn hóa như sợi dây gắn kết cộng đồng, là nền tảng cho sự phát triển. Bám vào định hướng này, ngay khi luân chuyển từ vị trí Chánh Văn phòng Huyện ủy Nam Trà My về giữ chức Chủ tịch UBND xã Trà Cang, ông Ngô Tấn Lạc tập trung công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ông Lạc nói, lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, tết lúa kho, múa cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, hát ting ting... là những nét văn hóa lâu đời của người Xê Đăng. Nguy cơ mai một sẽ hiện hữu nếu không có giải pháp gìn giữ, phát huy.

Bước đầu tiên, ông Lạc tiếp cận những “kho tàng” sống về văn hóa của người Xê Đăng bản địa. Tổ chức lễ hội, chương trình văn hóa hay xây dựng mô hình bảo tồn, ông Lạc đều phát huy vai trò của già làng, người có tín, người am hiểu về văn hóa trong công tác tổ chức, điều hành.

Từ những nghi lễ truyền thống, đầu năm 2023 đến nay, ông Lạc cùng Đảng ủy, chính quyền xã nâng quy mô, tổ chức thành công lễ hội cúng máng nước ở Cheng Tong và lễ hội mừng lúa mới ở Lâng Loan. Trong khuôn khổ lễ hội còn hoạt động thi trình diễn các nghề truyền thống, múa cồng chiêng, hát ting ting và các môn thể thao.

Thông qua đó, nâng cao ý thức người dân về phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Đồng thời củng cố, nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Bà Trần Thị Kim Hoa - người có uy tín thôn 3, xã Trà Cang nói, dù ở miền xuôi lên vùng cao công tác nhưng đồng chí Lạc có thể nghe, hiểu và giao tiếp cơ bản với người dân bằng tiếng Xê Đăng.

Đó là vốn quý, chỉ có những cán bộ sống và làm việc cùng dân mới có được. Khi hiểu về văn hóa người Xê Đăng thì mới có chính sách phát triển đúng đắn, phù hợp, chiếm được niềm tin của người dân.

Đáng mừng, các thôn ở Trà Cang đã thành lập đội múa cồng chiêng và đang phát triển mô hình dệt thổ cẩm, đan lát, rèn... thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Họ hăng hái làm ra các sản phẩm thủ công độc đáo để sử dụng trong gia đình và phục vụ hoạt động trưng bày, trình diễn trong các lễ hội do tỉnh, huyện tổ chức.

6-q.nam.jpg
Niềm vui của ông Ngô Tấn Lạc (ngoài cùng bên phải) khi người dân siêng năng làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: PV

Song, vẫn còn đó nhiều lo lắng, khi phong tục, tập quán lạc hậu còn ảnh hưởng đến tư tưởng người dân, nhất là tình trạng lạm dụng rượu bia; kết hôn sớm; trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Lạc nói, muốn xóa bỏ thì tất yếu phải dựa vào văn hóa. Trà Cang đã xây dựng bản tin tuyên truyền bằng tiếng Xê Đăng và đang phổ biến rộng rãi với nội dung trọng tâm về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy văn hóa bản địa, các mô hình kinh tế điển hình… Đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia nhiều hơn vào các sân chơi văn hóa để phát huy vai trò chủ thể và từng bước tạo sự chuyển biến.

Gần dân chính là môi trường rèn luyện thực tiễn cho cán bộ. Ở đó, họ nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Rất nhiều chủ trương khi triển khai trên địa bàn Nam Trà My, có thể không mới, song đang phát huy hiệu quả tích cực, như mô hình “3 giúp 1” (3 đảng viên giúp 1 hộ nghèo); luân chuyển cán bộ trẻ, có triển vọng về đảm nhận vị trí chủ chốt ở các xã; bí thư đảng ủy xã không phải là người địa phương,…

Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Hưng nói, nhiệm vụ khó bao giờ cũng là động lực để cán bộ phát huy cao nhất năng lực lãnh đạo, điều hành và linh hoạt trong triển khai.

Đáng nói, nhiều cán bộ luân chuyển dù không phải là người dân tộc thiểu số nhưng miệt mài bám địa bàn, có nhiều cách làm hay, phù hợp với văn hóa, đời sống đồng bào. Chính những nỗ lực không biết mệt mỏi này đang đổi lại bằng niềm tin của bà con vùng cao với Đảng, với đội ngũ cán bộ đảng viên trong hành trình vươn lên, hướng về tương lai tươi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức sống mới trên huyện nghèo - Bài cuối: Khi cán bộ gần dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO