(QNO) - Ông Nguyễn Văn La ở thôn Đức Phú, xã miền núi Tam Thạnh (huyện Núi Thành) thử nghiệm đưa cây sương sâm về trồng trên vùng đất đồi bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dây sương sâm còn gọi là sương sâm trơn là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc bản địa tại Đông Nam Á và được dùng trong ẩm thực của một số quốc gia như Thái Lan, Lào, Việt Nam.
Từ tháng 1/2023, ông Nguyễn Văn La và Nguyễn Quang Định (xã Tam Anh Nam) đầu tư khoảng 500 triệu đồng san ủi đất, dựng hơn 200 cây trụ sắt làm giàn và khoan giếng, lắp đặt hệ thống bơm nước tưới để trồng 6.000 dây sương sa trên 2 sào đất đồi.
Ông La chia sẻ: “Sương sa lần đầu tiên được trồng trên đất đồi Tam Thạnh phát triển tốt, cây đã leo lên giàn dây thép cao khoảng 6m. Hàng ngày, tôi phun tưới nước 2 lần. Đến nay, qua 7 tháng trồng, chăm sóc, bước đầu đã thu hoạch được 4 tạ lá tươi, bán với giá 70 đến 100 nghìn đồng/kg”.
Theo tính toán, với 6.000 cây sương sâm, mỗi năm thu hoạch 2 vụ cho sản lượng khoảng 1,5 đến 2 tấn lá tươi, bán ra thị trường 100 triệu đồng/tấn, ước tính ông La có thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Thu hoạch lá sương sâm xong, cuối năm, cắt dây sát gốc và năm sau cây sương sâm lại tiếp tục vươn lên dày hơn.
Trong khoảng 2 năm, ông Nguyễn Văn La có thể thu hồi được vốn đầu tư cho trang trại trồng sương sâm. Hiện tại, ông tự ươm giống cây sương sâm để trồng nhân rộng trong thời gian đến.
Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh, cho biết thực hiện Nghị quyết 35/2021 của HĐND tỉnh cộng với điểm sáng cây trồng mới sương sâm của ông Nguyễn Văn La, UBND xã phối hợp với với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành tuyên truyền nhân dân đổi mới mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Năm 2022, Tam Thạnh triển khai xây dựng được 10 mô hình kinh tế vườn, 1 mô hình kinh tế trang trại.
Năm 2023, đã có hơn 20 hộ đăng ký tham gia xây dựng mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Qua phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, bộ mặt nông thôn ở miền núi Tam Thạnh khởi sắc, thu nhập của cư dân miền núi tăng hơn trước.
"Các chủ vườn, chủ trang trại từng bước đổi mới tư duy, phương thức làm ăn, nắm bắt được kỹ thuật để phát triển các mô hình tại địa phương. Hiện địa phương rất cần sự hỗ trợ của nhà nước và các ngành liên quan về nguồn vốn, kỹ thuật, cây con giống… để tiếp tục phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên vùng đất đồi Tam Thạnh" - ông Lưu nói.