Họa sĩ Đỗ Đức và tâm huyết với trang phục dân tộc

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 18/09/2022 08:24

Tập sách “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” của họa sĩ Đỗ Đức được ấp ủ trong thời gian dài, là công trình ấn tượng của cả đời người họa sĩ...

Họa sĩ Đỗ Đức.
Họa sĩ Đỗ Đức.

Cơ duyên với miền núi phía Bắc

Sinh năm 1945, họa sĩ Đỗ Đức tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970. Năm 1980, Đỗ Đức tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội với bài thi tốt nghiệp tấm tranh khắc gỗ “Chợ vùng cao”. Sau khi bảo vệ tốt nghiệp, tác phẩm này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chấm chọn đưa vào bộ sưu tập tranh khắc gỗ.

Đặc biệt, ngoài các tác phẩm hội họa được các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước đánh giá cao, Đỗ Đức còn có 14 tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập và 15 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Thái Nguyên. Tất cả tác phẩm này đều được ông vẽ về đề tài đời sống và văn hóa, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam.

Năm 1978, Đỗ Đức làm việc tại Nhà xuất bản Văn Hóa. Trong một lần tham dự hội diễn văn nghệ quần chúng của các dân tộc thiểu số toàn miền Bắc, ông được chứng kiến sự đa dạng trong sắc phục của đồng bào các dân tộc và ấp ủ thực hiện một cuốn sách về đề tài này.

“Sau đó, nhờ điều kiện công việc tôi sống với người miền núi nhiều năm. Dần dà tôi bị trang phục, văn hóa, đời sống của họ gây ấn tượng và chinh phục. Bằng tay nghề hội họa của mình tôi âm thầm gom góp tư liệu bằng ký họa trong những chuyến đi công tác miền núi” - họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ.

Mãi đến tháng 6.2020, giữa hai đợt cách ly vì dịch Covid-19, họa sĩ Đỗ Đức tổ chức triển lãm cá nhân tại nhà riêng, giới thiệu những bộ trang phục của một số dân tộc phía Bắc được ông thực hiện trên sơn mài.

Giá trị thiết thực của những tác phẩm trong triển lãm lọt vào mắt xanh của một vị khách mời là Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật Đặng Thị Bích Ngân. Ngay lập tức, bà xúc tiến một kế hoạch xuất bản những tác phẩm này thành sách. Sau hơn một năm chuẩn bị, cuốn sách tranh “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” gồm hơn 200 tấm tranh và 40 bài viết của Đỗ Đức được ra mắt độc giả vào năm 2021, ghi dấu công sức của cả đời người họa sĩ.

Tư liệu quý

Trong bộ tranh “Sắc phục nhóm các dân tộc thiểu số miền Bắc” gồm hơn 60 bộ trang phục, được Đỗ Đức dày công thực hiện bằng phong cách đồng hiện, theo từng nhóm 5 bộ sắc phục trong một tranh. Tất cả được sắp xếp theo từng ngôn ngữ hệ khác nhau, lưu giữ được đến từng chi tiết những trang phục của các nhóm dân tộc H’Mông, Sán Chay, Cao Lan, Giáy, Bố Y, Pa Dí, Lựu, Tày, Nùng hoặc các nhóm dân tộc Lô Lô, Phù Lá, Dao, La Hủ, Hà Nhì, Cống, Si La, Tống…

Ngoài trang phục, các bộ tranh “Cao nguyên đá”, “Ngựa” và các tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập của họa sĩ Đỗ Đức cũng dẫn dắt người xem đến với phong cảnh và sinh hoạt cũng như những tập tục của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc một cách chân thực và đa dạng.

Một tác phẩm trong tập sách “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam“.
Một tác phẩm trong tập sách “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam“.

Ngoài ra, tập sách còn có nhiều bài tản văn, tùy bút, trường ca, ghi chép và cả những truyện ngắn được ông viết trong cả đời làm việc như Cao nguyên đá, Trường ca cây khèn Mông, Pựt Kỳ yên, Đồng Văn phố cổ…

Qua đó, giúp độc giả hiểu biết thêm về những truyền thuyết, tín ngưỡng, những vật tổ của từng nhóm dân tộc, ảnh hưởng đến sắc phục, phong cách sống và văn hóa của đồng bào miền núi phía Bắc.

Trong một bài viết, bà Đặng Thị Bích Ngân ghi nhận: “Bộ tranh tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng góp phần bảo lưu những bộ sắc phục cổ truyền đang dần biến mất theo trào lưu hàng thương mại tiện dụng đang phổ biến khắp nơi.

Tôi khâm phục ông về sự kiên trì trong công việc. Say mê nghiên cứu trong lĩnh vực trang phục và văn hóa miền núi, họa sĩ Đỗ Đức luôn bổ sung cho mình thêm kiến thức qua các nhà dân tộc học mỗi khi có cơ hội tiếp cận, đồng thời không ngừng nghiên cứu văn hóa dân gian, tìm hiểu các truyền thuyết, trường ca đề cập đến những bộ y phục mà ông yêu thích. Ông bảo đã biết thì phải biết đến ngọn ngành”.

Không ngừng nghỉ ở cái tuổi ngoại thất tuần, giờ đây Đỗ Đức đang tham gia một trại sáng tác mỹ thuật tại Đà Lạt. Chắc chắn ông sẽ có những tác phẩm mới để bổ sung vào gia tài mỹ thuật của riêng mình, bởi như ông cho biết: “Nếu thực hiện đủ, thì toàn quốc có hơn 120 bộ sắc phục khác nhau của các nhánh chính trong các dân tộc”. Và ông luôn theo đuổi công việc của mình với tâm nguyện rất đơn giản: “Thêm được tí nào hay tí ấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa sĩ Đỗ Đức và tâm huyết với trang phục dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO