Cho dù Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam sẽ buộc phải thu hẹp và đổi tên thành Trung tâm phục vụ hành chính công Quảng Nam kể từ tháng 1.2019 nhưng tất cả cơ quan công quyền lẫn người dân, doanh nghiệp đều phải thừa nhận kể từ ngày vận hành (9.1.2017), trung tâm này đã trở thành mô hình thống nhất một cửa, một đầu mối, cắt giảm 30% thời gian, thủ tục hành chính trên nguyên tắc “công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”, “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ”. Hiện đã có 1.310 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được tiếp nhận, giải quyết tại trung tâm này với tỷ lệ số hồ sơ giải quyết đúng hẹn chiếm tỷ lệ cao (cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện 97% và cấp xã hơn 98%...). Sự vận hành suôn sẻ, hiệu quả của trung tâm này đã trở thành một hình mẫu cho nhiều địa phương trên cả nước tìm đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Song, không thể lạc quan khi quy trình 4 bước vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý theo dịch vụ công trực tuyến 3 & 4 vẫn còn thấp và kế hoạch 100% hồ sơ, cải cách hành chính trong năm được giải quyết đúng hạn cũng chỉ là ước muốn!
Ai cũng có thể hiểu rằng việc ban hành một nghị quyết, văn bản hay kế hoạch hành động rất dễ, nhưng để hiện thực hóa cho cộng đồng cảm nhận được, vẫn là bước đi còn gian nan hơn và không dễ gì có thể làm hài lòng hết người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan công quyền! Chính hiểu được điều này, chính quyền đã yêu cầu nếu xử lý hồ sơ trễ hẹn sẽ phải có thư xin lỗi công dân hay doanh nghiệp, nhưng trên thực tế một lời xin lỗi lại không dễ dàng được thực hiện. Ông Trần Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ đã cho biết tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá cao, nhiều nhất thuộc Sở TN&MT, Y tế, LĐ-TB&XH và thị xã Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An, huyện Duy Xuyên, Núi Thành (chủ yếu vẫn trên lĩnh vực đất đai, lao động, thương binh và xã hội). Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng không ít cơ quan quản lý đã không thực hiện việc xin lỗi người giao dịch khi hồ sơ trễ hẹn! Điều này cũng đã trở thành một trong những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến chỉ số PAR INDEX 2018 của Quảng Nam.
Quan điểm phục vụ chính là sự vận hành theo đúng lẽ của xã hội phát triển bình thường. Song, theo những gì đã diễn ra trên thực tế vận hành của bộ máy công quyền Quảng Nam, có lẽ điều khó nhất chính là tạo sự chuyển biến, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức thấp nhất, đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp, dựng lại niềm tin của người dân, là khía cạnh tích cực nhất của các chỉ số này thay vì chạy theo những con số chỉ tiêu mơ hồ và khô cứng. Những cam kết của chính quyền trước cộng đồng doanh nghiệp hay người dân, hay nói đúng hơn là trước một chủ trương đúng, một chính sách hợp lý sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực và biết cúi mình xuống trước dân chúng khi không thể đủ khả năng đáp ứng hết nhu cầu đời sống. Nếu như vậy thì một lời xin lỗi cho phận sự của một công bộc tại sao lại khó?
TÙY PHONG