Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5.5.1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Thuở nhỏ, vốn thông minh, ham học, Phan Đăng Lưu theo học chữ Hán, sau học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phan Đăng Lưu là dịp để ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nhà lãnh đạo tài năng
Tiên phong trên mặt trận báo chí
Những năm tháng trong chốn lao tù, nhận thấy lính gác ngục là người Êđê, vừa không biết tiếng Kinh, vừa bị kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ Kinh, Thượng, Phan Đăng Lưu đã kết hợp với một số anh em tù chính trị bí mật ra tờ “Doãn Đê tù báo”.
Tờ báo được bí mật viết tay, lưu truyền trong nội bộ nhà tù, báo ra hàng tuần, đọc xong rồi hủy đi, vừa là công cụ giác ngộ lính Êđê, vừa là công cụ tuyên truyền của Đảng. Phan Đăng Lưu còn viết nhiều bài báo tố cáo tội ác của nhà tù gửi ra bên ngoài.
Nhận thức rõ báo chí, văn học là những công cụ đấu tranh sắc bén, Phan Đăng Lưu vừa xây dựng, chỉ đạo các tờ báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến, Dân muốn; vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các trí thức trẻ.
Ông cũng là cây bút chủ lực viết các bài chính luận, tiểu phẩm văn học, bình luận văn học… Trên bước đường cách mạng, ông thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ văn học - nghệ thuật cho đội ngũ trí thức trẻ.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão giúp dân, giúp nước. Ông là một trong số ít người sớm nhận thức và tích cực đấu tranh hợp nhất các tổ chức theo hướng tiến tới thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Tháng 9.1937, Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong nửa đầu năm 1940, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt; chỉ còn một mình Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta.
Nhiều chỉ thị của Phan Đăng Lưu, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương, được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng.
Sau khi tạm trì hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu bí mật bắt tay vào chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị tái lập Ban Chấp hành Trung ương Đảng - trọng trách lớn, có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng. Tháng 11.1940, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy được tổ chức tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Hội nghị tiến hành cử Ban Chấp hành lâm thời; đồng chí Trường Chinh được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy có vai trò to lớn của Phan Đăng Lưu.
Việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn quốc, chuẩn bị mọi mặt, chớp thời cơ đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi là sứ mệnh lịch sử cấp bách nhất, cao nhất lúc bấy giờ đặt lên vai Phan Đăng Lưu.
Sáng ngời đạo đức cách mạng
Cuộc đời của Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Trong ông luôn có niềm tin tuyệt đối với Đảng, niềm tin mãnh liệt vào sự thắng lợi tất yếu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Phẩm chất đạo đức đó đã nuôi dưỡng chí khí chiến đấu, thôi thúc ông luôn đứng trên thế tiến công cách mạng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, từ khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản trong lao tù đế quốc và đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường dưới làn đạn của kẻ thù.
Bảo đảm cho sự trường tồn và phát triển của Đảng là mệnh lệnh mà Phan Đăng Lưu luôn nghiêm chỉnh chấp hành, dù phải hy sinh lợi ích cá nhân. Hành động tiêu biểu cho đức hy sinh ấy là việc ông góp phần tiến cử đồng chí Trường Chinh vào chức vụ cao nhất trong Đảng mặc dù khi đó đồng chí Trường Chinh mới chỉ là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là minh chứng rõ nét cho tấm gương đạo đức cao cả hết lòng vì Đảng, vì dân, chí công vô tư của Phan Đăng Lưu.
Ở Phan Đăng Lưu, lòng yêu nước và tình thương yêu nhân dân thống nhất với nhau. Khi được giác ngộ cách mạng, ông đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải gần gũi nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó mở mang trí óc cho nhân dân, hướng dẫn họ đi theo con đường cách mạng.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hoạt động bí mật, công khai hay trong nhà lao đế quốc, ông luôn đặt công tác đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cho Đảng lên hàng đầu. Ông cũng thường xuyên gặp gỡ các tầng lớp trí thức, thanh niên, học sinh, công chức, các nhân sĩ, các nhà khoa bảng, tu hành để thuyết phục họ đi theo con đường cách mạng của Đảng.
Ở Phan Đăng Lưu, tấm gương đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn thống nhất và là sự biểu hiện toàn diện, cụ thể của tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Những ngày cuối đời trong xà lim án chém, Phan Đăng Lưu vẫn linh hoạt, sáng tạo, tổ chức trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với các đồng chí trong tù; vẫn hết lòng chăm sóc, thương yêu những đồng chí bị kẻ thù tra tấn dã man, tàn bạo; vẫn truyền và khơi dậy ý chí bất khuất, kiên cường với niềm lạc quan tin tưởng vào ngày toàn thắng của cách mạng cho những đồng chí còn ở lại.
Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của Phan Đăng Lưu tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất quan trọng và to lớn.
Nhắc đến Phan Đăng Lưu là nhắc đến người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, khôn khéo, dũng cảm, kiên cường; một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta.
Những cống hiến to lớn và tấm gương cộng sản sáng ngời của Phan Đăng Lưu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, biết ơn sâu sắc.