Xã đảo Tam Hải (Núi Thành) đang đón “làn sóng” khách du lịch vào dịp cuối tuần. Bởi cùng với không gian làng biển đang được làm mới, nơi đây đã có nhiều hơn các dịch vụ như camping, chèo SUP (Stand-up Paddleboarding – ván chèo đứng), tiệc đứng ở các bãi biển…
Trải nghiệm các dịch vụ du lịch
Cùng nhóm bạn trở về quê để nghỉ dưỡng sau những tháng ngày làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Thu khá bất ngờ khi xã đảo Tam Hải có dịch vụ chèo thuyền SUP. Dịch vụ này thường chỉ có ở các bãi biển du lịch lớn như Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Điều này đã giúp cho chị Thu cùng nhóm bạn có kỳ nghỉ vui vẻ, hấp dẫn khi ngoài việc thăm thú danh lam thắng cảnh Bàn Than còn chèo thuyền ngắm hoàng hôn, thưởng thức hải sản bên bãi biển thơ mộng.
“Tôi rất hài lòng khi có các dịch vụ du lịch đa dạng như ở các bãi biển nổi tiếng. Tam Hải còn có lợi thế khi các bãi biển, ghềnh đá còn hoang sơ, hải sản ngon và rẻ. Nay các dịch vụ lưu trú, cắm trại, vui chơi phục vụ du lịch nhiều lên nên sẽ là cơ hội lớn để lượng khách tìm về đây nhiều hơn” – chị Thu nhận định.
Một người làm dịch vụ ở đây cho biết, không chỉ có khách phương xa mà khá nhiều người dân địa phương, người Núi Thành chọn thuê SUP, lều trại hay đặt dịch vụ tiệc kết hợp cắm trại qua đêm.
“Dịch vụ chèo SUP luôn đông khách vào các buổi sáng, chiều khi người dân tắm biển và có nhu cầu chèo SUP để hòa mình vào thiên nhiên.
Còn dịch vụ tiệc kết hợp cắm trại thì dành cho các nhóm gia đình hoặc các nhóm bạn thanh niên yêu thích trải nghiệm và thoải mái. Nếu cùng nhau kết hợp làm du lịch cộng đồng, có sự quản lý, hướng dẫn của chính quyền thì tôi tin xã đảo là điểm đến nổi tiếng” - người này nói.
Theo lãnh đạo xã Tam Hải, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, rất nhiều cá nhân ở địa phương phát triển dịch vụ du lịch. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng số lượng các hộ làm homestay, dịch vụ ẩm thực, camping (cắm trại), chèo SUP… phát triển rất mạnh. Xu thế du lịch dã ngoại đang là trend nên lượng khách về xã đảo Tam Hải tăng lên, nhất là dịp cuối tuần.
Cạnh đó, xã đảo còn nhận được sự hỗ trợ từ các Vloger, Youtuber, Tiktoker. Họ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của hòn đảo này nên về đây làm các video trải nghiệm, quảng bá qua nền tảng số, mạng xã hội, góp phần giúp nhiều người biết thông tin và tìm về đây du lịch.
“Đa số khách từ Đà Nẵng, Quảng Nam và đồng hương trở về rất nhiều. Họ chọn vui chơi, nghỉ dưỡng ngắn trong 2 ngày cuối tuần tại xã đảo vì giá cả dịch vụ hợp lý và người dân thân thiện nên trải nghiệm nhiều điều thú vị về đời sống, văn hóa làng biển” - ông Đỗ Kim Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải nói.
Chờ đợi nhà đầu tư
Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở Tam Hải hiện chủ yếu là tự phát. Do vậy, sản phẩm du lịch vẫn còn khá đơn điệu. Và việc khai thác, phát triển du lịch tại địa phương vẫn còn khoảng trống lớn. Chưa có một hoạt động xúc tiến, quy hoạch cụ thể hay nói cách khác là vẫn chưa tổ chức bài bản về phát triển du lịch, khách biết đến Tam Hải chủ yếu qua giới thiệu truyền miệng, qua mạng xã hội…
Theo định hướng phát triển du lịch của Núi Thành, trong tương lai sẽ hình thành các tour chính, gồm “Dấu ấn Núi Thành” (tham quan Di tích Chiến thắng Núi Thành - Rừng dừa nước Tịch Tây - Biển Rạng - xã đảo Tam Hải), tour “Lên rừng xuống biển” (vườn trái cây xã Tam Mỹ Tây - hố Giang Thơm - biển Rạng - xã đảo Tam Hải), tour trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân xã đảo”. Nhưng vì nhiều lý do, các tour du lịch này vẫn còn là ý tưởng, chưa thể triển khai.
Xác định tiềm năng của du lịch biển, UBND huyện Núi Thành và xã Tam Hải đã không ngừng mời gọi các nhà đầu tư về khảo sát. Đồng thời chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để các hộ dân tại nơi này làm dịch vụ du lịch.
UBND huyện Núi Thành đã thông qua chủ trương đầu tư 20 tỷ đồng để đóng 2 phà tải trọng 30 tấn đáp ứng vận chuyển người, phương tiện. Đối với danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, Núi Thành đã làm dự án cải tạo cảnh quan với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng.
Chưa kể, dự án du lịch xã đảo Tam Hải với các hạng mục cầu tàu, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, bồi thường giải phóng mặt bằng được đưa vào danh mục đầu tư công. Dự án dự kiến thực hiện vào năm 2025 với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng...
Mới đây, dự án khôi phục làng tranh Tam Hải năm 2024 được thực hiện cùng sự tham gia của gần 50 cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Các tình nguyện viên đã làm mới lại 28 bức tranh tường vẽ từ năm 2017.
Chủ đề của làng tranh được rõ nét khi sử dụng gam màu chủ đạo là màu xanh của biển cả, đất trời nhằm tái hiện cuộc sống yên bình, văn hóa, cảnh vật của làng chài Tam Hải. Điểm đặc biệt ở các bức tranh là tạo nên không gian tương tác khi du khách chụp ảnh check-in.
“Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông đường thủy, mở rộng trục đường chính kết nối các danh lam thắng cảnh, đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá du lịch cho Tam Hải… vì hiện nay, lượng khách du lịch đã về đây rất nhiều mở ra cơ hội để phát triển cho xã đảo” – ông Đỗ Kim Hùng đề nghị.