Tạm hoãn đấu giá kim ấn Hoàng đế chi bảo; bát vàng đời Khải Định và kim bài đời Duy Tân được bán giá cao

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 01/11/2022 15:16

(QNO) - Ngày 31/10/2022, nhà đấu giá Millon ở Paris (Pháp) đã tổ chức phiên đấu giá 329 cổ vật Việt Nam, gồm tranh, tượng, gốm sứ… trong đó có nhiều cổ vật của triều Nguyễn (1802 - 1945). Trong số đó có 2 hiện vật được quan tâm đặc biệt là chiếc ấn vàng 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo) đúc năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841) và chiếc bát vàng 啟定年造 (Khải Định niên tạo) chế tác dưới triều vua Khải Định (1916 - 1925).

Ấn Hoàng đế chi bảo.
Ấn Hoàng đế chi bảo.

Theo thông báo trên webpage của nhà đấu giá Millon vào trung tuần tháng 10, thì bát Khải Định niên tạo có giá khởi điểm từ 20-25 nghìn euro, ấn Hoàng đế chi bảo không được đặt giá khởi điểm.

Sáng 29/10/2022, một vài tờ báo ở Việt Nam đăng tin nhà đấu giá Millon sẽ hoãn đấu giá chiếc ấn Hoàng đế chi bảo đến ngày 10/11/2022. Tuy nhiên, theo một bài viết đăng trên BBC (ngày 30/10/2022) của Phạm Cao Phong - người đã đến trụ sở của Millon vào ngày 29/10/2022, trực tiếp xem xét ấn Hoàng đế chi bảo, bát Khải Định niên tạo và phỏng vấn bà Nathalie Mangeot - người phụ trách chính phiên đấu giá này, thì việc đấu giá chiếc ấn vẫn diễn ra bình thường.

Bát vàng đời Khải Định
Bát vàng đời Khải Định.

Trước thông tin Chính phủ Việt Nam và Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam có thư yêu cầu hoãn việc đấu giá chiếc ấn Hoàng đế chi bảo, bà Nathalie Mangeot cho biết: “Millon đã trả lời bằng văn bản và yêu cầu Việt Nam phúc trình những chứng cớ pháp lý. Song đến thời điểm này, Millon vẫn chưa nhận được những hồi đáp nào”. Vì thế cuộc đấu giá vẫn diễn ra đúng như lịch trình là vào lúc 11 giờ ngày 31/10 (giờ Paris), tức 17 giờ (giờ Hà Nội).

Tuy nhiên, khi theo dõi trực tuyến phiên đấu giá này vào tối qua, tôi không thấy chiếc ấn được đưa ra đấu giá như tuyên bố của bà Nathalie Mangeot.

Vào lúc 20 giờ cùng ngày, bát vàng Khải Định niên tạo đã được bán với giá 680 nghìn euro, cao gấp 30 lần so với giá dự kiến. Nếu cộng thêm các khoản thuế và phí, chiếc bát này có thể có giá sau cùng khoảng 1 triệu euro.

Một hiện vật bằng vàng khác của triều Nguyễn là kim bài đời Duy Tân (1909 - 1916) được định giá khởi điểm 6.000 - 8.000 euro, nhưng đã bán với giá 70 nghìn euro, gấp gần 10 lần so với dự kiến (chưa tính thuế và phí).

Kim bài đời Duy Tân
Kim bài đời Duy Tân.

Kim bài hình chữ nhật, dài 8,6cm, rộng 4,3cm, nặng 37,5g. Hai mặt kim bài chạm nổi hồi văn chữ 丁 (Đinh) ở viền ngoài, đồ án ngũ long (5 con rồng) và đồ án lý ngư hí thủy (cá chép giỡn với nước) ở viền trong. Mặt trước kim bài án khắc nổi 4 chữ Hán: 維新恩贈 (Duy Tân ân tặng), mặt sau khắc nổi 5 chữ Hán: 全權府管理 (Toàn quyền phủ quản lý).

Theo thông tin từ nhà đấu giá, kim bài này nguyên là phần thưởng của vua triều Nguyễn cho Thủ hiến Bắc Kỳ Paul Simoni (1863 - 1931) - người từng làm việc cho chính quyền Pháp ở Đông Dương trong hơn 25 năm, nay được người chắt của ông đưa ra đấu giá.

Theo tôi, giá mua bát vàng Khải Định niên tạo như trên là chấp nhận được, bởi nếu so sánh với chiếc mũ quan nhất phẩm triều Nguyễn được hãng đấu giá Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 10/2021, với giá khởi điểm là 600 euro, nhưng giá gõ búa (trước thuế và phí) là 600 nghìn euro, thì chiếc bát Khải Định niên tạo xứng giá hơn. Bởi đây là món đồ ngự dụng, mang niên hiệu của vua, làm bằng vàng ròng, chế tác công phu, có giá trị lịch sử và giá trị mỹ thuật cao hơn nhiều so với một chiếc mũ quan làm bằng vải có gắn các chi tiết trang trí bằng bạc mạ vàng.

Tuy nhiên, việc kim bài Duy Tân ân tặng được bán với giá 70 nghìn euro thì nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, bởi kim bài này là món “kém mỹ thuật và kém giá trị nhất” trong số các kim bài mà tôi từng khảo cứu trước đây. Những kim bài tôi từng giới thiệu trong các bài khảo cứu của mình thường niên hiệu của vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại… được làm bằng vàng, có nạm kim cương hoặc hồng ngọc, nhưng khi mang ra đấu giá, thì giá bán thấp hơn rất nhiều.

Chẳng hạn chiếc kim bài khắc 4 chữ Hán: 大邦維屏 (Đại bang duy bình) của vua Khải Định làm bằng vàng, nạm 10 hồng ngọc, viền hoa văn “lưỡng long”, thuộc sưu tập của một người Ý Antonio Benedetto Spada, được một hãng đấu giá ở Pháp định giá 5.000 euro vào năm 2009; hay kim bài khắc 3 chữ Hán 安靜公 (An Tĩnh công) được bán đấu giá trên eBay với giá 1.919 euro vào năm 2013.

Có lẽ, cổ vật nhà Nguyễn nói riêng, cổ vật Việt Nam nói chung đang “lên ngôi” trong các phiên đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Điều này vừa là tín hiệu vui, vì cổ vật/mỹ thuật Việt Nam ngày càng được giới sưu tầm đánh giá cao và ưa chuộng; nhưng cũng là tín hiệu buồn, bởi giá cao quá thì con đường “hồi hương” của những cổ vật Việt Nam từ nước ngoài sẽ ngày càng gian nan.

Giờ thì cứ chờ xem ấn Hoàng đế chi bảo sẽ được bán bao nhiêu trong thời gian tới, và “châu về Hợp phố” có được hay không?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạm hoãn đấu giá kim ấn Hoàng đế chi bảo; bát vàng đời Khải Định và kim bài đời Duy Tân được bán giá cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO