TP.Tam Kỳ được định hướng đầu tư xây dựng đô thị loại I vào năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành cho địa phương.
Những kết quả tích cực
Theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Duy Ân, thực hiện Nghị quyết số 08 (ngày 4/5/2021) của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam, thời gian qua thành phố đã kêu gọi một số nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như Sun Group, Geleximco vào nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án có quy mô lớn trên địa bàn thành phố như Khu đô thị hỗn hợp trục Nguyễn Tất Thành; Khu đô thị, công nghệ, giáo dục ven hồ Sông Đầm; Khu đô thị công viên đồi An Hà; Khu đô thị hỗn hợp đa chức năng tại phường Hòa Hương; Khu đô thị sinh thái Hòa Lang xã Tam Ngọc; Khu công nghiệp Tam Thăng, Thuận Yên…
Đối với nhiệm vụ triển khai xây dựng dự án hạ tầng trọng điểm, từ năm 2021 đến nay thành phố đã đẩy nhanh tiến độ các dự án có ngân sách tỉnh hỗ trợ chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang như dự án đường Bạch Đằng, đường bao Nguyễn Hoàng.
Đồng thời triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng như đường nối Khu dân cư số 6 đến Khu phố mới Tân Thạnh; đường N10 và khu dân cư hai bên đường; đường Bạch Đằng.
Cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ 32 dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2025.
Thành phố cũng đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để triển khai từ năm 2024 nhiều dự án trọng điểm như kè, đường cảnh quan ven sông Tam Kỳ và khu tái định cư; tuyến mương ngầm thoát nước dọc đường Trưng Nữ Vương; bến xe Tam Kỳ tại phường An Sơn.
Nghị quyết số 08 (ngày 4/5/2021) của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Trong đó, đáng chú ý là mở rộng không gian đô thị, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân quyền quản lý, hỗ trợ ngân sách để Tam Kỳ đầu tư phát triển đô thị loại I.
Một trong những bài toán nan giải đối với Tam Kỳ là câu chuyện ngập lụt đô thị. Đến nay, thành phố đã đề xuất dự án nâng cao năng lực thoát lũ gồm các danh mục hồ điều tiết và kênh chỉnh dòng thoát nước phía tây nội thị; cải thiện năng lực thoát lũ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nội thị; kè và đường ven sông Tam Kỳ với tổng kinh phí khoảng 1.817 tỷ đồng. Hiện nay dự án được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư từ nguồn vốn ODA. Đề tài nghiên cứu khoa học về phòng chống ngập lụt đô thị Tam Kỳ đến nay đã hoàn thiện.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Nguyễn Thị Thu Lan cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Thành ủy đã ban hành 15 nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực trọng yếu để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, như nghị quyết chuyên đề trên lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cải cách hành chính; giáo dục; trật tự đô thị và xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; giải pháp xây dựng đô thị loại I.
Nhiều khó khăn, hạn chế
Dù tập trung nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị nhằm hoàn thiện tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I và bước đầu đạt được một số kết quả, song Tam Kỳ hiện nay cũng đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế.
Theo ông Nguyễn Duy Ân, nhu cầu về nguồn lực đầu tư rất lớn, trong đó riêng nhóm các dự án khớp nối hạ tầng đô thị có tổng mức đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Cạnh đó, các nhiệm vụ kiến thiết thị chính thường xuyên và xử lý môi trường hàng năm đều tăng do quy mô đô thị ngày càng phát triển, trong khi từ năm 2022 đến nay chỉ bố trí mỗi năm 150 tỷ đồng kiến thiết thị chính và 17,8 tỷ đồng xử lý môi trường, không đáp ứng nhu cầu.
Theo ông Trần Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý đô thị, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam, theo quy hoạch chung đến 2030 Tam Kỳ có 192 nghìn dân, không đảm bảo đô thị loại I (quy định 500 nghìn dân) nên đề xuất xây dựng đô thị đặc thù.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố nói, Tam Kỳ còn 12 tiêu chí đô thị loại I chưa đạt, trong đó lớn nhất là quy mô dân số, thu nhập, hỏa táng. Đề án địa giới hành chính chưa triển khai, đề án văn hóa con người Tam Kỳ đang xây dựng. Riêng đồ án quy hoạch chung năm 2014 đến nay cần được rà soát, đánh giá, điều chỉnh để có thể thu hút các dự án đầu tư lớn.
Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển đô thị, TP.Tam Kỳ kiến nghị tỉnh bổ sung có mục tiêu hằng năm cho thành phố để đầu tư 1 dự án trọng điểm với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng/năm.
Trước mắt, trong hai năm 2024 - 2025 hỗ trợ địa phương thực hiện 2 dự án, gồm Kè chống sạt lở, đường cảnh quan ven sông Tam Kỳ và khu tái định cư (tổng mức đầu tư 499 tỷ đồng và theo kế hoạch ban đầu ngân sách tỉnh hỗ trợ 200 tỷ đồng) và Tuyến mương ngầm thoát nước dọc đường Trưng Nữ Vương (tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng).
Ngoài ra, bổ sung có mục tiêu 100 tỷ đồng/năm cho kiến thiết thị chính và đảm bảo môi trường cho đô thị tỉnh lỵ ngoài 167,8 tỷ đồng/năm theo Nghị quyết số 36/2021 HĐND tỉnh.
Đồng thời sớm đầu tư nâng cấp đường Hùng Vương theo chủ trương trước đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quan tâm xúc tiến đầu tư từ nguồn vốn ODA để thực hiện dự án Nâng cao năng lực thoát nước của thành phố; thống nhất chủ trương lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu liên hợp TD-TT và Công viên đa chức năng tỉnh Quảng Nam trong năm 2024 với quy mô nghiên cứu khoảng 184ha.
Đáng chú ý, thành phố kiến nghị tỉnh quan tâm thống nhất chủ trương và giao nhiệm vụ xây dựng, đề xuất cơ chế đặc thù riêng cho TP.Tam Kỳ để xây dựng, phát triển đô thị loại I theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ hồi giữa tháng 9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, nguồn lực khó khăn, cơ chế hỗ trợ của tỉnh chưa đủ mạnh, quy mô đô thị còn nhỏ hẹp, chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, nguồn kiến thiết thị chính Tam Kỳ quá nhỏ (150 tỷ đồng/năm), kém xa so với các đô thị miền Trung mà gần nhất là Quảng Ngãi (300 tỷ đồng/năm)… là những trở ngại đối với Tam Kỳ trong quá trình phát triển đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý thời gian tới Tam Kỳ tập trung xây dựng đô thị xứng tầm, là thành phố động lực, nơi ai cũng muốn đến. Để có được điều này, địa phương quan tâm hoàn thành quy hoạch phân khu, quan tâm đến việc chống ngập đô thị, hoàn thiện các điểm nút giao thông, đảm bảo môi trường. Tam Kỳ cần huy động nguồn lực từ nhiều nguồn, trong đó chú ý nguồn vay ODA để đầu tư phát triển.
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh phải xác định quan điểm đầu tư cho Tam Kỳ là đầu tư cho trung tâm đầu não, cho sự phát triển của tỉnh. TP.Tam Kỳ phải ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sự phát triển chung cả tỉnh.
Do nhiều nguyên nhân, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy chưa được triển khai thực hiện tốt. Vì vậy, thời gian tới Tam Kỳ và các sở, ngành tham mưu thực hiện Nghị quyết số 08, từ cơ chế, chính sách đặc thù đến danh mục đầu tư. Mục tiêu hướng tới là hoàn thành xây dựng đô thị loại I vào năm 2030.
“Tam Kỳ cần rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, cùng với huy động nguồn lực đầu tư; cần xác định bản sắc, điểm nhấn riêng của thành phố, bởi quy hoạch tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư. Cần có giải pháp quyết liệt tăng nguồn thu từ đất. Quan tâm nâng cao chất lượng và mỹ quan đô thị, ngăn nắp, trật tự, mảng xanh đô thị, buôn bán vỉa hè; vấn đề thoát nước đô thị. Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.