(QNO) – Tròn nửa thế kỷ ngày quê hương giải phóng nhưng trong ký ức của ông Lê Văn Đức (phường Cẩm Châu, TP.Hội An) những tháng năm hoạt động nội tuyến, những đòn tra khảo tù đày của giặc vẫn hằn sâu không phai mờ.
Ông Đức nói, mình sinh 1946 nhưng hồ sơ khai năm 1950 để dễ hoạt động trong cơ sở thanh niên hợp pháp, từ đó xâm nhập vào hàng ngũ địch. Ở tuổi gần bát thập nhưng ông Đức trông rất rắn rỏi, giọng hào sảng, rõ to, dường như trong con người này chất lính vẫn còn đậm nét.
Tiểu đội trưởng nghĩa quân
Năm 1965 Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, như mọi thanh niên yêu nước chàng trai trẻ Lê Văn Đức cũng hừng hực khí thế đánh giặc. Ban đầu ông định thoát ly ra vùng giải phóng ở Cẩm Thanh, nhưng cha ông không đồng ý. “Ổng nói, mi ra đó cũng chưa đánh được giặc đâu, tốt nhất ở đây đi lính, hoạt động nội tuyến đưa thông tin ra ngoài, phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vô” – ông Đức kể. Vậy là ông đăng ký đi lính nghĩa quân quận Hiếu Nhơn.
Tháng 8/1966, lần đầu tiên ông Đức vẽ sơ đồ đóng quân của địch ở Cồn Chài đưa cha mang ra vùng giải phóng (cha ông Đức hoạt động hợp pháp, hy sinh năm 1973). Theo kế hoạch, đêm đó phiên ông Đức gác, bộ đội kéo về, ông làm nội ứng bên trong dẫn quân vào đánh. Kết quả đồn bị hạ, 4 tên địch bị tiêu diệt.
“Nghe thì đơn giản nhưng không dễ ăn đâu. Một số người cũng làm y rứa mà bị lộ hoặc bị chết do quân mình bắn nhầm” – ông Đức cười và khoe mình an toàn bởi luôn biết cách "né" những lúc tên bay đạn lạc.
“Chiêu” của ông Đức là khi dẫn bộ đội vào đồn, nhằm tránh bị bắn nhầm ông cũng chạy kèm theo, rồi nhanh chóng núp vào một chỗ bí mật thoát ra ngoài hoặc nằm chờ đến khi bộ đội rút hết. Nhờ vậy không những ông Đức giữ được tính mạng qua nhiều trận đánh mà còn được chính quyền Sài Gòn trao thưởng huân chương “Anh dũng bội tinh” vì thành tích chống Việt cộng giữ đồn đến cùng.
Qua vài trận dẫn quân đánh đồn thắng lợi, ông Đức nhận thấy công việc này cũng… dễ dàng. Địch khó phát hiện nếu ông không bị đồng đội phản bội, chỉ điểm.
Sáng 25/3 lính tới đồn Phước Trạch nơi ông Đức đóng quân nói mời về họp, linh cảm báo có điều chẳng lành, bởi ông biết hôm đó không có cuộc họp nào cả. “Đến nơi, nó nói mi đã bị bắt. Lúc này cha mẹ, anh em cũng đã bị chúng bắt trói hết ở đây rồi. Dù vậy tôi vẫn giả bộ cứng cỏi hỏi. Vì sao bắt tôi? Nhân danh quân lực Việt Nam cộng hòa, một chiến sĩ từng được thưởng huân chương Anh dũng bội tinh mấy ông không được vu khống” - ông Đức kể lại vfa cho biết khi đó ông đang là Tiểu đội trưởng nghĩa quân.
Bọn địch lao vào đánh tới tấp, còng tay chân ông lại, rồi tiếp tục tra tấn. Vài sĩ quan ngụy có mặt trong phòng ngơ ngác không tin ông làm Việt cộng vì tối hôm trước còn ăn nhậu với nhau.
Lát sau, ông Đức bị đưa về Ty An ninh quân đội thẩm vấn. Quá trình hỏi cung, một tên an ninh cũng là bạn ông Đức nói: “Hắn phản bội mi rồi, thôi ký đại vô đi tù để khỏi bị đánh”, ông Đức nghĩ chắc đã lộ nên đành ký cung và bị đưa xuống quân cảnh tư pháp. Sau này mới biết người chỉ điểm là tên V.T.T., một đảng viên vừa là chỉ huy của ông Đức. “Tôi mà không bị con này chỉ điểm dễ chi bị lộ” – ông Đức tiếc rẻ.
Ký ức ngục tù
Khoảng 1 tháng sau, ông Đức được chuyển ra giam ở nhà lao Mang cá nhỏ (Huế). Cuối năm 1970 thì địch đưa ông về lại Nhà lao kho đạn Đà Nẵng. Đầu năm 1971 ông Đức nhập tù Côn Đảo.
Vừa xuống sân bay bọn trật tự (tù thường án hình sự) tay cầm dùi cui đứng hai bên hàng vừa chửi thề vừa đánh tới tấp các tù binh. Ông Đức bị giam tại trại 3. Phòng giam rất chật chội (khoảng 50m2) nhưng chứa 120 tù binh, mọi người phải nằm nghiêng 3 dãy chen chúc, nóng nực, hôi hám. Mỗi bữa tù binh được ăn lưng chén cơm với 1 con cá khô mục (người dân dùng làm phân).
Ông Đức và bạn tù thường xuyên tổ chức đấu tranh đòi dân chủ, dân quyền, yêu cầu được cung cấp ăn no, nước uống và tắm nắng; tuyên bố chống chào cờ Ngụy; đả đảo đàn áp, khủng bố… đánh trả bọn trật tự khi chúng đàn áp vô trại. “Trong tù nếu không đấu tranh sẽ chết. Mình không để nó yên mà nó cũng không để mình yên” – ông Đức nói. Ngược lại, địch cũng tìm mọi cách đối phó, đàn áp kể cả bắn đạn cay vào khiến nhiều người bị bong tróc da.
Sau Hiệp định Paris, tháng 7/1973, ông Đức được chuyển về Hố Nai (Biên Hòa), địch gọi là nơi giam giữ cuối cùng trước khi trao trả. Ở đây, ông và các tù binh càng bị đàn áp, đối xử tệ hại, ăn uống đói khát, mỗi ngày chỉ được 2 chén cơm lưng, ai cũng đói khát.
Tháng 4/1974, ông Đức chính thức được trao trả tự do tại Lộc Ninh. Gần 1 tháng sau thì Quân khu 5 cử người vào nhận. Tháng 7/1974, ông Đức được phân công bảo vệ tại cơ quan tổ chức Tỉnh ủy Quảng Đà đến ngày giải phóng. Sau 30/4/1975, ông Đức đi học bổ túc văn hóa, giữa năm 1978 tiếp tục đi học trường Đảng tỉnh. Năm 1980 ông Đức về công tác trong ngành văn hóa thông tin và nghỉ hưu sau đó.
Vợ ông Đức, bà Lê Thị Hai cũng từng hoạt động nội tuyến và bị địch bắt giam tại Nhà lao Hội An trong 2 năm 1969 – 1970. Sau ra tù, bà Hai thoát ly ra Đà Nẵng. Dù 2 người quen nhau từ trước, nhưng năm 1977 mới cưới nhau. Bây giờ nhắc lại những năm tháng tù đày bà Hai vẫn còn kinh hoàng không muốn nói tới. “Chừ sống trong hòa bình mới thấy quý giá. Chỉ mong đất nước phát triển, người dân no ấm, đừng bao giờ quay lại thời đó nữa” – bà Hai nói.