Tăng cường giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng

TRẦN NGUYỄN 23/08/2023 11:21

(QNO) - Nhờ hưởng lợi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), cộng đồng thôn, các đơn vị, chủ rừng đã xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét, quản lý hiệu quả trong lâm phận được giao khoán bảo vệ; đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai cơ chế chính sách.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Đông Giang tuần tra trong lâm phận rừng ở xã Sông Kôn (Đông Giang).  Ảnh: H.P
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng Đông Giang tuần tra trong lâm phận rừng thuộc xã Sông Kôn (Đông Giang). Ảnh: H.P

Nghiêm cấm tác động vào rừng đã giao khoán

Có được nguồn tài chính ổn định từ chính sách chi trả DVMTR, cộng với các nguồn vốn hợp pháp khác, từ đầu năm đến nay Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang đã cụ thể hóa các phương án, kế hoạch tuần tra, theo dõi diễn biến rừng để hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng tự nhiên.

Trước mắt là đẩy mạnh việc tuyên truyền trực quan, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Qua 6 tháng đầu năm 2023, chủ rừng này đã lắp đặt mới hơn 300 bảng tôn cấm xâm hại rừng ở các vị trí có nguy cơ xâm lấn rừng; 100 bảng tôn tam giác cấm đốt lửa đóng tại các khu vực nương rẫy của người dân giáp ranh với rừng tự nhiên.

Cán bộ kiểm lâm phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đồng bào vùng cao huyện Tây Giang.
Cán bộ kiểm lâm phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đồng bào vùng cao. Ảnh: H.P

Tại Đông Giang, nhiều năm nay, cộng đồng dân cư, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (BVR) hưởng lợi chủ yếu từ chính sách chi trả DVMTR. Thống kê cho thấy có hơn 31.692ha diện tích thực hiện chính sách (giao khoán cho 29 cộng đồng thôn: 16.083,1ha; hợp đồng lực lượng BVR 15.609ha).

Trong khi diện tích thực hiện giao khoán BVR theo Quyết định 7179 của Thủ tướng chỉ có 4.110ha/5 cộng đồng thôn; diện tích thực hiện giao khoán BVR theo Quyết định 809 của Thủ tướng trên địa bàn huyện chỉ có gần 168ha.  

Ông Vũ Phúc Thịnh - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang thông tin, các cộng đồng tổ chức tuần tra BVR trong diện tích nhận khoán theo quy định 4 lẫn mỗi tháng, có sự tham gia phối hợp của lực lượng chuyên trách BVR đã ký hợp đồng với chủ rừng.

Theo ông Thịnh, cái khó nhất hiện nay là đang vào giai đoạn phát, đốt nương rẫy của người dân địa phương, nhất là tại địa bàn xã Ba và xã Tư, diện tích nương rẫy chủ yếu nằm phân tán, xa khu dân cư nên việc người dân đốt thực bì không thông báo cho các đơn vị liên quan biết nên rất dễ gây cháy lan vào rừng.

Tuy vậy, với nguồn chi trả tạm ứng hơn 4,5 tỷ đồng tiền DVMTR 6 tháng đầu năm 2023 cho các cộng đồng thôn, lực lượng BVR nên việc tuần tra rừng cũng đều đặn và thường xuyên hơn.

“Hàng ngày đơn vị thường xuyên bố trí cán bộ theo dõi cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên hệ thống quản lý giám sát tài nguyên rừng của tỉnh, phối hợp với lực lượng tại các trạm, tổ, và kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh, xử lý các điểm cảnh báo nguy cơ cháy rừng và báo cáo theo đúng quy định. Nhờ đó mà từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng tự nhiên trong lâm phận chi trả DVMTR” – ông Thịnh thông tin.

Nhờ có nguồn lực tài chính ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiệm vụ tuần tra, truy quét trong rừng trở nên thường xuyên và hiệu quả hơn.
Nhờ có nguồn lực tài chính ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà nhiệm vụ tuần tra, truy quét trong rừng trở nên thường xuyên và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, nhờ lập các chốt BVR trên địa bàn các xã Trà Cang, Trà Mai, Trà Linh và Trà Vinh mà lực lượng chuyên trách BVR của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My kiểm soát được tình trạng gỗ lậu khai thác trong lâm phận được giao khoán BVR, rồi vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ. 

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My, trong hai tháng 7 và 8/2023, tại xã Trà Linh, xã Trà Don, đơn vị đã phát hiện 30 trường hợp tác động vào môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh bằng cách như đào bới tầng đất mặt, sử dụng sắt, thép, nhựa, ny lông để làm giàn che. Do đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng ngay việc tác động vào rừng để trồng sâm Ngọc Linh.

Cần thường xuyên giám sát chi tiền DVMTR

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam nhận định, khả năng thu tiền DVMTR năm 2023 đạt 100% kế hoạch (184 tỷ đồng). Ảnh: H.P
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam nhận định, khả năng thu tiền DVMTR năm 2023 đạt 100% kế hoạch (184 tỷ đồng). Ảnh: H.P

Ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đánh giá, phần lớn chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng diện tích cung ứng DVMTR; quản lý, sử dụng tiền DVMTR thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 156 của Chính phủ. Các chủ rừng đã thanh toán kịp thời và đầy đủ tiền DVMTR cho các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán và lực lượng chuyên trách BVR... Các tổ, trạm BVR tổ chức tuần tra theo từng tháng và phân công lịch tuần tra cụ thể cho từng nhân viên BVR.

Từ đầu năm đến đầu tháng 7/2023, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã 2 lần tạm ứng kinh phí DVMTR cho chủ rừng, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ BVR theo quy định. Đối với các lưu vực có nguồn kinh phí thực thu thấp, quỹ chủ động cân đối từ nguồn chưa có đối tượng chi để bổ sung đơn giá nhằm đảm bảo kinh phí hoạt động BVR cho các đơn vị.

Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 vào ngày 10/8. Ảnh: H.P
Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam tổ chức họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 vào ngày 10/8. Ảnh: H.P

Tại cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam với các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 vào ngày 10/8, nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đã được thẳng thắn chỉ ra, trong đó “điểm nghẽn” vẫn là năm 2022, một số chủ rừng chậm chi tiền DVMTR.

Đơn cử, năm 2022 Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My chưa chi hơn 10,3 tỷ đồng (chiếm 37,6% trên tổng số thu); Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn chưa chi hơn 8 tỷ (chiếm 39,8% trên tổng số thu); Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang còn hơn 4,5 tỷ đồng (chiếm 15,1% trên tổng số thu). Cạnh đó, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang còn chậm triển khai xây dựng dự toán kinh phí DVMTR năm 2023.

Về nguyên nhân chi trả tiền DVMTR chậm, theo ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho biết, chủ yếu do đơn vị thiếu kế toán và không ổn định, mới bổ sung nhân sự này cho chủ rừng vào đầu tháng 8/2023.

Thời điểm này, toàn tỉnh có tổng cộng 55 dự án có nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết, lũy kế tiền trồng rừng thay thế đã thu được đến nay hơn 177,5 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch thu).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu -  Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam lưu ý, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, các ngành liên quan cần giám sát thường xuyên việc chi tiền DVMTR, không được sử dụng sai mục đích nguồn tiền DVMTR. Trong thời gian đến, nghiên cứu mua bản quyền phần mềm ảnh viễn thám, mục đích để theo dõi diễn biến rừng tốt hơn, giám sát quá trình tuần tra rừng ở địa bàn cơ sở…

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam nhận định, khả năng thu tiền DVMTR năm 2023 đạt 100% kế hoạch (184 tỷ đồng). Tổng diện tích chi trả theo chính sách đến nay là 311.299ha gồm 11 chủ rừng là tổ chức với diện tích 297.409,5ha; 11 chủ rừng là UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng với diện tích 9.021,2ha.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng cường giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO