Lâm phận chỉ hơn 3.000ha, song khu vực Trà Linh tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng, sử dụng rừng không đảm bảo môi trường sinh thái... do hoạt động trồng sâm dưới tán rừng.
Để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm tại khu vực Trà Linh, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Trà My đã bố trí 3 chốt, với 44 nhân viên giữ rừng chuyên trách túc trực.
Anh Lê Minh Tuấn - nhân viên Trạm bảo vệ rừng Trà Linh (thuộc BQL rừng phòng hộ Nam Trà My) cho biết, do lượng người ra, vào rừng để trồng, mua bán sâm Ngọc Linh rất lớn nên cán bộ, nhân viên phụ trách địa bàn Trà Linh thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng.
Đồng thời tổ chức giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng môi trường rừng của các tổ chức, nhóm hộ, cá nhân có tác động đến rừng và môi trường sinh thái hay không.
Vào những ngày cuối tuần, các dịp lễ tết, 44 nhân viên thuộc 3 chốt bảo vệ rừng và 2 cán bộ phụ trách địa bàn túc trực 100%. Đây là khoảng thời gian người ra vào vườn sâm dưới tán rừng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị liên tục tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến Luật Lâm nghiệp và các quy định có liên quan đến việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ gia đình đang trồng sâm dưới tán rừng.
Song vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành, buộc các tổ công tác lập biên bản đình chỉ và lập bản cam kết dừng ngay việc tác động đến rừng.
Cụ thể, nhân viên các tổ bảo vệ rừng phát hiện 61 trường hợp có hành vi đào bới tầng đất mặt, làm luống, sử dụng vật liệu không thân thiện môi trường làm giàn che để trồng sâm Ngọc Linh.
Đồng thời ngăn chặn một số trường hợp vận chuyển các loại vật liệu không thân thiện vào rừng tự nhiên, gồm: 4 cuộn nhựa sử dụng làm luống trồng sâm, 20 tấm tôn nhựa trắng, 4 bó lưới, 33 khay nhựa, 29 tấm tôn, hơn 200 cây sắt các loại,…
Đáng chú ý, BQL rừng phòng hộ Nam Trà My phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng xử lý 2 vụ việc liên quan đến ông P.N.A. chặt hạ 62 cây rừng tự nhiên và ông P.V.T. đã chặt hạ 61 cây rừng tự nhiên để làm giàn che trồng sâm Ngọc Linh.
“Để chấm dứt việc sử dụng các vật liệu xây dựng không thân thiện trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên, Sở NN&PTNT cần quy định rõ việc được sử dụng vật liệu không thân thiện cho phép ở mức độ nào, giai đoạn nào, phạm vi nào và có quy định danh mục một số vật liệu thân thiện có thể thay thế trong việc trồng, quản lý bảo vệ sâm Ngọc Linh” - ông Hiền đề xuất.