Từ đầu năm đến nay Quảng Nam đã xuất hiện hàng chục ca mắc sởi; ngành y tế đang chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh này tại địa phương.
Tuyệt đối không để bùng phát dịch
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam, từ ngày 1/1/2025 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 29 ca mắc sởi tại 13/18 huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể: Điện Bàn 6 ca; Núi Thành, Đại Lộc mỗi nơi 4 ca; Duy Xuyên 3 ca; Đông Giang, Nam Giang, Hội An mỗi nơi 2 ca; Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Tam Kỳ, Tây Giang và Tiên Phước mỗi nơi 1 ca.
Trong đó có 2/29 trường hợp đã tiêm vắc xin chứa thành phần sởi, 27/29 trường hợp chưa tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm vắc xin chứa thành phần sởi.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh sởi, giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh tại địa phương, sở đã chỉ đạo CDC Quảng Nam cử Đội cơ động phản ứng nhanh phòng chống dịch sởi hỗ trợ huyện Nam Trà My, thường trực tại xã Trà Leng - nơi đã có 44 ca sốt phát ban nghi sởi trên trẻ em.
Đội cơ động phản ứng nhanh phòng chống dịch sởi đang phối hợp với chính quyền xã, ngành giáo dục, chỉ đạo Trạm Y tế xã Trà Leng chủ động nắm bắt tình hình tận thôn nóc, kịp thời phát hiện trẻ ốm để vận động gia đình đưa trẻ ra trạm y tế cách ly, điều trị.
Đồng thời rà soát, điều tiết, cấp bổ sung Vitamin A liều cao cho Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị bệnh nhân sởi, sốt phát ban nghi sởi.
Trung tâm y tế các huyện/thị xã/thành phố đang tổ chức kiện toàn các đội cơ động đáp ứng nhanh phòng chống dịch, chủ động giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch.
Cạnh đó rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn. Kiên quyết không để tình trạng “trắng về tiêm chủng” trên quy mô thôn, nóc.
“Tôi đã yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh sởi. Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi, không để lây nhiễm chéo.
Đặc biệt, chú trọng công tác thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe về dấu hiệu nhận biết, nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng chống và hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, tuyệt đối không để bùng phát dịch trong cộng đồng” - ông Mười nói.
Phòng chống sởi trong cộng đồng
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho 12-18 người khỏe mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin. Sau đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức y tế khuyến cáo bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt là nhóm yếu thế như trẻ em và trẻ nhỏ.
Bệnh sởi vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể. Tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa… Ngoài ra, bệnh sởi còn có một năng lực vô cùng nguy hiểm là “xóa trí nhớ miễn dịch”.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam đã đưa ra các khuyến cáo đối với người dân để phòng tránh sởi. Trước hết, người dân cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
Các gia đình, đặc biệt các cơ sở mầm non, mẫu giáo, tiểu học… cần lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày.
Thường xuyên mở cửa để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày. Mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Năm 2024, cả nước ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi của các ca dương tính sởi trong năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25%). Hầu hết trường hợp mắc sởi thuộc diện không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.