Để triển khai hiệu quả công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn (gọi tắt là tài sản) do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện rà soát, phân loại, lập hồ sơ, kế toán tài sản tập trung thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn, lập phương án xử lý; lưu ý các trường hợp đã giao, tạm giao, nhận nợ/cho thuê/chuyển nhượng không đúng quy định.
UBND cấp huyện có nhiệm vụ chỉ đạo UBND cấp xã, đơn vị được giao quản lý thực hiện hạch toán kế toán, báo cáo kê khai, cập nhật thông tin về tài sản vào Cơ sở dữ liệu tài sản và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định.
Đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản; xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản (nếu có).
Sở KH-ĐT, Sở GTVT, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh khi tham mưu phê duyệt dự án đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch trên địa bàn, phải xác định rõ đối tượng và phương thức giao tài sản sau khi dự án hoàn thành để bảo đảm hiệu quả đầu tư, khai thác tài sản của Nhà nước.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị khác có liên quan đến việc quản lý tài sản trên địa bàn tỉnh vận hành cấp nước sạch nông thôn thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong thời gian thực hiện việc rà soát, phân loại tài sản và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thác tài sản.