Trong kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) vừa được ban hành, UBND tỉnh khẳng định, trọng tâm CCHC năm 2020 là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả.
Trong kế hoạch này, UBND tỉnh xác định nhiều mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm, như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; phát triển chính quyền điện tử; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước. Trong đó, UBND tỉnh lấyviệc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong triển khai nhiệm vụ CCHC để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tiếp tục duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước; phấn đấu chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhóm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Đồng thời có 100% cơ quan nhà nước trong tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, cơ cấu đồng bộ, hợp lý. Cùng với đó, triển khai toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ - công chức, Luật Viên chức (sửa đổi) và các quy định, hướng dẫn có liên quan gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là UBND cấp xã. Đảm bảo 100% số hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết được cập nhật, theo dõi thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Phấn đấu có tối thiểu 60% số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ; tối thiểu 40% số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 3; tối thiểu 30% số hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; tất cả hồ sơ giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh được xác thực điện tử và tất cả văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng điện tử (không bao gồm văn bản có nội dung mật).
UBND tỉnh cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ để triển khai thực hiện kế hoạch công tác CCHC năm 2020. Đối với nhóm nhiệm vụ cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh đề ra yêu cầu tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả; một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Cụ thể, sắp xếp, cơ cấu lại các phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành, đơn vị; tổ chức lại các chi cục và các phòng chuyên môn có cùng chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc những lĩnh vực chuyên ngành đã thành lập chi cục trực thuộc thì không thành lập phòng chuyên môn thuộc sở. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng tinh gọn, tăng tính liên kết và bổ trợ lẫn nhau. Rà soát, giảm số lượng các ban chỉ đạo, tổ chức phối hợp liên ngành; giải thể những tổ chức không còn hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều loại hình dịch vụ công, giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng nhiệm vụ để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Rà soát, thu gọn đầu mối bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, cổ phần hóa, hợp tác công - tư…). Đẩy mạnh ủy quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước giữa UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, UBND các cấp; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.