(QNO) - Muốn tăng lương, cải cách tiền lương thì trước hết phải tinh giản biên chế. Bởi không có ngân sách nào “gánh” nổi bộ máy cồng kềnh hiện nay.
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã có phiên họp đầu tiên. Một lần nữa, câu chuyện cải cách tiền lương - vốn được xem là vô cùng khó lâu nay được hy vọng sẽ thực hiện rốt ráo, khoa học và công bằng.
Vấn đề được đặt ra tại phiên họp này là việc cải cách chính sách tiền lương không chỉ đơn thuần là điều chỉnh tiền lương tối thiểu mà còn là điều chỉnh hệ thống chức danh, thang, bảng lương và vấn đề quan trọng nhất là cơ cấu nguồn tiền từ ngân sách để thực hiện. Nội dung này cũng liên quan tới việc đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp (khu vực đang có 2,1 triệu viên chức đang làm việc).
Không ngân sách nào chịu đựng được một bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Ảnh: VOV |
Cải cách tiền lương là vấn đề luôn luôn nóng. Thực tế những năm qua cho thấy, việc xây dựng hệ thống tiền lương rất quan trọng nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương. Đó là vấn đề liên quan đến bộ máy.
Bộ máy hành chính - sự nghiệp của chúng ta được đánh giá là quá cồng kềnh và kém hiệu quả. Chúng ta đã nhìn thấy sự trì trệ này nhưng bắt đầu giải quyết từ đâu, ai là người phải ra khỏi guồng máy… thì thực sự là bài toán khó. Cái khó lớn nhất và dễ thấy nhất là trong hệ thống các cơ quan hưởng ngân sách thì mối quan hệ thân hữu, họ hàng, anh em ràng buộc nhau quá lớn. Tình trạng “cha truyền con nối”, cả họ làm quan… không còn là chuyện hiếm. Thử hỏi, với những mối quan hệ đan xen, giằng xé như vậy ai, người đứng đầu nào dám “chặt” vào tay, chân của mình?
Nếu là thân hữu, họ hàng mà làm việc hiệu quả thì chắc cũng chẳng có gì đáng bàn. Nhưng thực tế, nhiều người lợi dụng các mối quan hệ để “lọt” được vào các cơ quan công quyền để có một chỗ làm, rồi sách nhiễu, vòi vĩnh người dân, gây ra những tiêu cực khiến dư luận bức xúc. Thế mới có chuyện, lương thấp nhưng nhiều công chức lại giàu có.
Con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi - tối cắp ô về” được cho là chưa thống kê hết, thực tế còn nhiều hơn. Việc tinh giản biên chế nên nhắm tới các đối tượng này để lấy nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự. Thế nhưng vẫn lại là câu chuyện “thêm ai, bớt ai” trong lúc này mới là điều đáng bàn.
Trở lại chuyện tiền lương, lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Người làm được việc, nhiệt tình, hiệu quả cũng được trả ngang bằng với người “ngồi chơi xơi nước”. Thực tế này càng củng cố thêm việc nếu không thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế thì Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả.
Chính vì không thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả, thậm chí bộ máy còn "phình" to hơn nên những lần cải cách tiền lương vừa qua đều xảy ra tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Phương án ban đầu rất hay, rất khoa học nhưng cuối cùng vì thiếu nguồn nên vừa phát hạ bớt mức tăng tiền lương tối thiểu vừa phải thu hẹp độ giãn cách của hệ số tiền lương so với đề án ban đầu.
Tiền lương - yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy năng suất, hiệu quả công việc nhưng lâu nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Khi người lao động không được trả đúng, trả đủ với công sức, trí tuệ đã bỏ ra thì đó lại là lực cản vô cùng lớn kéo lùi sự phát triển. Một bài toán tổng thể mang tính hệ thống mới mong có tác dụng đối với cải cách tiền lương hiện nay.
(Theo VOV)