Tăng năng lực ứng phó thiên tai

THÀNH CÔNG 09/09/2022 08:06

Chú trọng hơn đến các tri thức bản địa để ứng dụng trong sơ tán dân vùng ngập lụt, sạt lở, chia nhỏ các bản tin dự báo ở khu vực Cửa Đại - Cù Lao Chàm và Cửa Lở để thông tin cho tàu bè… là những giải pháp được đề cập nhằm tăng năng lực ứng phó với thiên tai, khi mùa mưa bão 2022 đã gần kề.

Các địa phương được yêu cầu chủ động hơn trong thực hiện “4 tại chỗ” nhằm ứng phó thiên tai. TRONG ẢNH: Sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng tại Phước Sơn mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: T.C
Các địa phương được yêu cầu chủ động hơn trong thực hiện “4 tại chỗ” nhằm ứng phó thiên tai. TRONG ẢNH: Sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng tại Phước Sơn mùa mưa bão năm 2020. Ảnh: T.C

Không chờ đợi giải cứu

“Chúng ta phải chủ động hơn, không chỉ ở các vùng miền núi, vùng có nguy cơ mà địa phương nào cũng nên tính toán đến tình huống thiên tai phức tạp nhất, có sự chuẩn bị về lương thực, nhu yếu phẩm và cả phương tiện, nhân lực.

Đặc biệt, ở miền núi, vùng có nguy cơ cao, phải dự phòng cho việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu ít nhất một tháng. Không thể trông chờ, ỷ lại vào những chuyến bay giải cứu hay việc quân đội, công an cắt rừng, thông đường như trước đây” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mới đây.

“Bốn tại chỗ”, phương châm tiên quyết cho ứng phó cũng được khuyến nghị nâng tầm ở một mức cao hơn, cụ thể hơn. Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến nay mới chỉ có 10/18 địa phương xây dựng, phê duyệt và gửi kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 cấp huyện về cho Sở NN&PTNT.

Về phương án cụ thể cho năm 2022, mới chỉ có 4 địa phương bao gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn rà soát, cập nhật và báo cáo. “Công tác tổng hợp, báo cáo của một số địa phương chưa kịp thời.

Ngoài ra, việc tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai chưa đảm bảo thời gian và biểu mẫu quy định. Việc này cần được thực hiện nghiêm túc hơn, báo cáo phương án năm 2022 chậm nhất trước ngày 15.9, đồng thời khẩn trương hoàn thành kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025.

Từ đề tài “Nghiên cứu hiện trạng sạt lở đất đá thuộc đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi, khu vực Quảng Nam” đã được chuyển giao, các huyện miền núi phải chỉ đạo kiểm tra, rà soát tổng thể, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời” - ông Trương Xuân Tý yêu cầu.

Đối mặt và thích nghi

Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định, từ nay đến hết tháng 1.2023, khả năng xuất hiện từ 7 - 9 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, cần đề phòng xoáy thuận nhiệt đới có cường độ, quỹ đạo phức tạp, xảy ra bảo dồn dập và có cường độ mạnh trong tháng 10 và 11. Đây cũng là thời gian dễ xảy ra mưa lớn tập trung, gia tăng nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở…

Tri thức bản địa về bản đồ sạt lở, ngập lụt, địa điểm, đường sơ tán sẽ được phát huy, nhân rộng phục vụ phòng chống thiên tai. Ảnh: Một ngôi làng bị lũ quét tàn phá tại Phước Sơn.
Tri thức bản địa về bản đồ sạt lở, ngập lụt, địa điểm, đường sơ tán sẽ được phát huy, nhân rộng phục vụ phòng chống thiên tai. Ảnh: Một ngôi làng bị lũ quét tàn phá tại Phước Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục phức tạp. Kế hoạch cụ thể trong ứng phó thiên tai theo từng năm vì thế phải rõ ràng, chi tiết hơn.

Theo ông Hồ Quang Bửu, thời gian qua, “4 tại chỗ” đã phát huy tác dụng tốt, nhưng các địa phương phải quán triệt mạnh hơn, sát sao hơn, phải cương quyết không để tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm.

Đồng thời phải tăng cường tuyên truyền, người dân phải nhận thức hiểm họa từ thiên tai, phòng là chính, không chủ quan. Các tri thức dân gian liên quan bản đồ ngập lụt, đường sơ tán khi có bão lớn, ngập lụt từ dân sẽ được tổng hợp, nhân rộng, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để người dân biết sớm, biết xa để chủ động trong mùa mưa bão.

“Rút kinh nghiệm từ vụ chìm tàu du lịch ở Cửa Đại, năm nay tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các cơ quan chuyên môn được yêu cầu chủ động hơn trong ứng cứu, xây dựng và duy trì chòi canh di động trên biển. Tỉnh cũng đã chỉ đạo lắp đặt hai trạm khí tượng thủy văn ở Cửa Đại và Cửa Lở, cung cấp số liệu kịp thời cho Biên phòng.

Thời gian tới, các trạm này sẽ tiến tới phục vụ xây dựng các bản tin có thời lượng ngắn hơn, dự báo trong mỗi khoảng thời gian 2 - 3 tiếng đồng hồ để chủ động kiểm soát tàu ra vào, linh động giúp người dân, doanh nghiệp có thể thuận tiện đi lại, phát triển du lịch, kinh tế, hạn chế rủi ro do thiên tai” - ông Bửu nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tăng năng lực ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO