Những nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất đã được mổ xẻ, xác định, từ đó đề xuất nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ lẫn chính sách để ứng phó. Đây là kết quả từ hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung - nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì tổ chức tại TP.Hội An vào ngày 16.1.
Hội thảo thu hút gần 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố; tổ chức khoa học, xã hội...
Những nguyên nhân dẫn đến lũ quét, sạt lở đất đã được mổ xẻ, xác định, từ đó đề xuất nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ lẫn chính sách để ứng phó. Đây là kết quả từ hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung - nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì tổ chức tại TP.Hội An vào ngày 16.1.
Hội thảo thu hút gần 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố; tổ chức khoa học, xã hội...
“Giải mã” lũ quét, sạt lở đất
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt biến đổi thất thường của thời tiết. Riêng mùa mưa năm 2020, miền Trung đã phải hứng chịu thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với cường độ mạnh, thậm chí vượt mức lịch sử, chưa từng có trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra nhiều vụ lở đất hết sức nghiêm trọng, như tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm 67 - Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân huyện Nam Trà My, Phước Lộc huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Những vụ sạt lở đất kinh hoàng này đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của người dân, cán bộ chiến sĩ. Nguyên nhân gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nhân tố vừa có tính nội tại bên trong vừa do khách quan bên ngoài, cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ để đề xuất giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Vỹ - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai tại miền Trung - Tây Nguyên nói, về nguyên nhân khách quan, địa hình đồi núi khu vực có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt kết hợp với mưa vượt mức lịch sử đã khiến lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nguyên nhân chủ quan là nhận thức và mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai. Trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu tính chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu còn hạn chế dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng. Phương châm “4 tại chỗ” có những điểm chưa sát thực tế, một số nơi còn mang tính hình thức dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Nhận định thêm về các yếu tố dẫn đến lũ quét, sạt lở tại Quảng Nam, TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho rằng, có liên quan đến sự dịch chuyển của khối đá, các mảnh vụn hay đất xuống mái dốc. Sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.
“Nghiên cứu xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất và xác định các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất tại Quảng Nam cần thực hiện theo nhiều bước. Đi từ xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở theo nhiều yếu tố như độ dốc, lượng mưa, địa chất thủy văn, địa chất công trình, thảm phủ, tiếp đó là xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở cho toàn tỉnh” - TS. Hoàng Ngọc Tuấn nói.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Bên cạnh những tham luận, rất nhiều ý kiến trao đổi thảo luận trực tiếp tại hội thảo đã phác họa được nhiều giải pháp, đồng thời thống nhất quan điểm phải có sự phối hợp đồng bộ, tổ chức tốt dựa trên việc tổng hợp từng giải pháp được đề xuất để tăng năng lực phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến dự báo lũ quét, sạt lở đất. Như công nghệ thông tin địa lý (GIS) và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo sạt lở đất; công nghệ IOT và WSN nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét; công nghệ ảnh vệ tinh không ảnh kết hợp với trí tuệ nhân tạo trong theo dõi giám sát và phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương pháp cảnh báo lũ quét theo thời gian thực áp dụng cho khu vưc miền Trung. Đây là những công nghệ mới do chính người Việt Nam nghiên cứu và đã được áp dụng thí điểm có kết quả ở một số địa phương, có thể phát huy kịp thời vai trò cảnh báo cho địa phương trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp theo từng thời điểm.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, những ý kiến thảo luận, tham luận tại hội thảo là cơ sở tham khảo quan trọng cho từng tỉnh thành khu vực miền Trung. Trong đó, bên cạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, cũng cần vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm, tri thức của người dân địa phương.
“Thời gian tới, bên cạnh sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, không thể tách rời sự tham gia chủ động của cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Các tỉnh cũng cần lưu ý tính lưỡng dụng, đa chức năng của các công trình ở khu vực miền núi, gắn với yêu cầu phòng tránh thiên tai, đảm bảo công năng ở mức độ cao. Các giải pháp kỹ thuật lẫn hệ thống văn bản chính sách phải đảm bảo yếu tố chính xác, bền vững, thống nhất, đồng bộ. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin cảm ơn và ghi nhận tình cảm, trách nhiệm cao của các đại biểu, chuyên gia, đồng thời mong muốn những giải pháp, đề xuất sẽ được cụ thể hóa, hệ thống để có thể mang tính ứng dụng cao trong thời gian tới, nhanh chóng triển khai được để từng bước ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ.
Kết luận hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, Tổng hội Xây dựng Việt Nam theo chức năng và nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục cùng với các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, vận dụng các kết quả nghiên cứu, triển khai công tác phòng chống mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất theo 7 nhiệm vụ lâu dài trong phòng chống thiên tai của Chính phủ. Trong đó, Tổng hội sẽ phối hợp với bộ chuyên ngành xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để đầu tư các công trình hạ tầng như đường giao thông, công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai. Đồng thời phối hợp với các tỉnh xây dựng, lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, bản đồ ngập lụt hạ du, xây dựng bản tiêu chí phân loại nguy cơ, hỗ trợ các địa phương lập đề án rà soát các khu dân cư, điểm dân cư có nguy cơ và xây dựng phương án phòng tránh.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm của từng vùng, miền, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tổng hội cũng sẽ hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật thực hiện lập bản đồ ngập lụt do mưa lũ, ngập lụt vùng hạ lưu hồ chứa trong trường hợp xả lũ khẩn cấp hoặc xảy ra sự cố về hồ đập, để làm cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, cơ sở hạ tầng và các khu kinh tế tập trung. Các kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trong hội thảo sẽ được áp dụng vào dự báo lũ quét, sạt lở đất để chủ động trong phòng chống và ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai nêu trên” - ông Đặng Việt Dũng nói.