Chỉ số cải cách hành chính và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan nhà nước ngày càng sụt giảm. Làm gì để tạo động lực cải cách là câu hỏi không dễ có câu trả lời trong ngắn hạn?
Sụt giảm không phanh
Việc lược bỏ, bổ sung, thay đổi tiêu chí và cơ cấu điểm số đánh giá cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Nội vụ năm 2022 đã khiến các tỉnh, thành đều bị sụt giảm điểm số.
Ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ nói, việc đánh giá này khách quan, đa chiều, tương đối chính xác về nỗ lực cải cách của mỗi địa phương.
Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2022 của Quảng Nam từ điều tra chọn mẫu, điều tra xã hội học, câu hỏi, trực tuyến hay giấy, thư điện tử, kể cả ý kiến của đại biểu HĐND, chính quyền cấp huyện, sở, ngành... đều đã bị đánh giá thấp, nằm trong nhóm trung bình và thấp của cả nước.
Kết quả công bố, PAR INDEX 2022 Quảng Nam chỉ đạt 80,91 điểm (80,91%), xếp vị thứ 57/63 tỉnh thành, giảm 24 bậc, thấp hơn giá trị trung bình chỉ số CCHC của các tỉnh toàn quốc đến 3,88%.
Phân tích dữ liệu cho thấy, có đến 5/8 lĩnh vực bị trừ điểm, giảm bậc sâu. Công tác chỉ đạo điều hành đã giảm 9 bậc (45/63), cải cách thể chế giảm 6 bậc (53/63), CCHC công giảm 13 bậc (47/63). Thậm chí cải cách thủ tục hành chính và chế độ công vụ “đội sổ”, khi bị xếp 63/63 tỉnh thành (giảm tương ứng 8 bậc và 46 bậc).
Tuy nhiên, bức tranh cải cách này không phải quá ảm đạm khi địa phương vẫn có được 3/8 lĩnh vực tăng bậc. Đó là cải cách bộ máy hành chính tăng 4 bậc (xếp 30/63 tỉnh thành), xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 34 bậc (14/63) và CCHC tác động đến người dân, tổ chức phát triển kinh tế - xã hội tăng 1 bậc (28/63).
Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cũng không khá hơn. Người dân, doanh nghiệp không hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính khi kết quả điều tra, Quảng Nam chỉ đạt 75% (61/63 tỉnh thành).
Tất cả chỉ số thành phần SIPAS, từ tiếp cận dịch vụ, tổ chức giải quyết, về công chức giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính, đều bị xếp vị thứ thấp (cao nhất là vị thứ 48/63 tỉnh thành).
Có thể, những biến động về chính trị, kinh tế đã diễn ra, khiến tâm lý nhiều cán bộ, công viên chức bất an hay sợ trách nhiệm, thông qua tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp (72,57%, 9 địa phương, 10 đơn vị giải ngân dưới 70%, thậm chí 0%...) hay chưa thể hoàn tất các nhiệm vụ được giao...
Nhưng đó không phải là lý do để chối bỏ sự yếu kém của nền hành chính công vụ khi những điểm nghẽn của CCHC được nêu không phải là chuyện lạ hay mới mẻ gì mà luôn là “chuyện thường ngày ở huyện” khi số hồ sơ trễ hẹn vẫn quá nhiều (41.657 hồ sơ tuyến huyện và 13.363 hồ sơ tuyến xã bị trễ hẹn). Số hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3 & 4 của cấp tỉnh, huyện, xã quá ít so với số lượng hồ sơ được tiếp nhận.
Hay sự thiếu tương thích, thống nhất, đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật dịch vụ công và không thể kiểm soát được tình trạng nhập dữ liệu hoặc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục hành chính trễ hạn. Nhưng một lời xin lỗi như một thứ xa xỉ không bao giờ có được.
Chính quyền phục vụ!
Hướng đến việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương là điều cốt lõi của CCHC. Chính quyền quyết định sẽ đưa ra các sáng kiến CCHC như tiếp cận giải quyết hồ sơ phi địa giới hành chính, mô hình không gian hành chính phục vụ, xây dựng bản đồ thể chế.
Sẽ mở rộng các cuộc tuyên truyền về CCHC thông qua các hình thức trực tuyến, truyền hình, sân khấu hóa... Đồng thời mở diễn đàn đối thoại, giải quyết 100% kiến nghị, bảo đảm 100% hồ sơ thủ tục hành chính đồng bộ, công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia, ban hành danh mục thủ tục hành chính liên thông trên địa bàn Quảng Nam, khắc phục hồ sơ trễ hạn trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử, xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, phấn đấu ngay năm 2023, tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến đạt 80% trở lên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, sẽ triển khai các giải pháp an toàn thông tin, an minh mạng để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.
“Sẽ đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ, thời gian giải quyết. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực chuyên môn, có đạo đức tốt, có kỹ năng và kinh nghiệm giao tiếp làm việc tại bộ phận một cửa, truyền thông rộng rãi CCHC đến công chức, dân chúng, nâng cao ý thức, trách nhiệm công chức...” - ông Bửu nói.
Theo ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ CCHC, thông qua khảo sát, người dân địa phương thể hiện tính sẵn sàng phối hợp xây dựng nền hành chính công vụ rất cao.
Các cơ quan nhà nước phải tự nhìn nhận, đặt câu hỏi và trả lời vì sao bị trừ điểm, bị đánh giá thấp để đưa ra những vấn đề ưu tiên, tháo gỡ điểm nghẽn. Muốn hay không cũng cần sự đồng thuận, bố trí nguồn lực tài chính, con người, quản lý, giám sát, thống nhất về hành động, mục tiêu CCHC của chính quyền.
Không thể để người dân thiếu sự quan tâm, không biết nhà nước làm gì, làm như thế nào. Quan trọng hơn hết làm sao xử lý các bộ thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp thành đơn giản, làm cho người dân thấy và hưởng lợi ích của CCHC thì mới chuyển biến thực chất của nền hành chính hiện đại.