Tập trung giảm nghèo cho miền núi

ALĂNG NGƯỚC 29/12/2022 06:30

Sau thời gian triển khai Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các chính sách hỗ trợ bắt đầu có những tín hiệu tích cực, tạo động lực mới giúp miền núi giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) có thêm điều kiện ổn định đời sống mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) có thêm điều kiện ổn định đời sống mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đồng bộ giải pháp

Năm 2022, mặc dù gặp thách thức trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững nhưng tại các địa phương miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan về phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của tỉnh.

Bởi năm 2022 được xem là năm bản lề, có vai trò quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững của cả giai đoạn 2021 - 2025. Vì thế, bằng các giải pháp động lực, thời gian qua, các mục tiêu giảm nghèo được triển khai một cách đồng bộ, tạo bước chuyển tích cực trong nhận thức của người dân miền núi.

Theo ông Đặng Tấn Giản - Phó ban Dân tộc tỉnh, so với kết quả năm 2021, công tác giảm nghèo năm 2022 trong tỉnh có nhiều chuyển biến theo hướng thực chất hơn. Thông qua các chỉ tiêu về thu nhập, tỷ lệ người dân hưởng lợi về nhà ở, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia… đã cho thấy “mức độ hài lòng” đối với các chính sách hỗ trợ được triển khai trên địa bàn vùng DTTS.

Năm 2022, miền núi có hàng nghìn hộ dân được sắp xếp, bố trí dân cư và phát triển sản xuất theo hướng phát triển kinh tế gắn với quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ vậy, bên cạnh khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng, việc trồng tăng độ che phủ rừng hằng năm, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái rừng tự nhiên luôn được cộng đồng quan tâm.

Ngoài ưu tiên các hạng mục bức thiết về nhà ở, đất sản xuất và hạ tầng giao thông, từ nguồn vốn trung ương, các huyện miền núi đặc biệt quan tâm và dành phần lớn nguồn lực để triển khai bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Tiêu biểu như lễ hội “Khai năm tạ ơn rừng” của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang; lễ cúng thần sâm núi Ngọc Linh của đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My; nghệ thuật trình diễn nêu của đồng bào các DTTS huyện Bắc Trà My… được triển khai xuyên suốt thời gian qua.

“Đặc biệt, sau thời gian nghiên cứu và quy hoạch, Phước Sơn đã và đang triển khai đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống người Bh’noong gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trở thành làng chung cộng đồng tại địa phương.

Ngoài ra, lồng ghép trong các chương trình phục dựng lễ nghi văn hóa, bảo tồn bản sắc được triển khai, bên cạnh trình diễn phục vụ du khách, các địa phương hướng đến khơi dậy niềm tự hào bản sắc, giúp hình thành nên các đội trống chiêng, nói lý - hát lý, dân ca dân vũ trong cộng đồng” - ông Giản nói.

Tháo gỡ khó khăn

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư phát triển cho miền núi Quảng Nam theo Nghị quyết 88 của Quốc hội hơn 1.491 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 1.329 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh đối ứng hơn 162 tỷ đồng.

Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp gần 493 tỷ đồng, được phân bổ cho các địa phương triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Những khó khăn tiếp tục được tháo gỡ giúp người dân ổn định phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những khó khăn tiếp tục được tháo gỡ giúp người dân ổn định phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Từ nguồn vốn này, thời gian qua, các địa phương bắt tay triển khai một số công trình dự án dân sinh, tạo bước đệm cho động lực phát triển mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng các đợt bão lũ, cộng với nguồn vốn phân bổ chậm nên quá trình triển khai gặp nhiều thách thức.

Dù vậy, bằng tinh thần đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, các địa phương miền núi từng bước chủ động tìm cách tháo gỡ và triển khai linh hoạt, giúp nhiều hạng mục dự án được thực hiện một cách kịp thời, đem lại hiệu quả bước đầu.

Cùng với nỗ lực từ các địa phương, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã kiến nghị cấp trên ban hành hướng dẫn định mức thực hiện đối với một số dự án, giúp công tác điều hành, triển khai nhiệm vụ được tốt hơn.

Bao gồm: Dự án 1 về nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở và đất sản xuất; Dự án 5 (tiểu dự án 4) về nội dung ban hành bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình; Dự án 9 (tiểu dự án 1) nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ DTTS còn nhiều khó khăn…

“Bước sang năm 2023, trong các giải pháp và kế hoạch sẽ triển khai, chúng tôi tiếp tục bám sát các nội dung giải pháp chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền công tác dân tộc, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi” - ông Mai cho biết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung giảm nghèo cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO