Thủy sản

Tàu lưới vây của ngư dân Quảng Nam "nằm bờ"

VIỆT NGUYỄN 16/08/2024 09:45

Chưa bao giờ nghề lưới vây cùng với lưới chụp và câu mực khơi - 3 nghề chủ lực của ngư dân Quảng Nam lại rơi vào khó khăn như hiện nay.

O Anh
Ngư dân Phạm Xuân Anh bên đôi tàu lưới vây nằm bờ. Ảnh: Q.VIỆT

Nằm bờ rồi đi biển nhắn tin

Ông Phạm Xuân Anh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) chia sẻ, đến nay đã có hơn 50 năm theo nghề lưới vây. Từ chỗ không có tàu cá phải làm bạn biển, ông Anh dành dụm đóng được tàu lưới vây QNa-90359 450CV.

Có được tàu lớn, ông vươn khơi với 20 bạn, mỗi chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa kéo dài 20 - 25 ngày đem về hàng chục tấn cá nục, cá ngừ, lãi hàng trăm triệu đồng, bạn biển thu nhập khá.

Có nguồn lực, ông Anh đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới như các loại máy dò cá, hầm bảo quản hải sản bằng P.U, máy giám sát hành trình…

tau luoi vay
Nhiều tàu lưới vây của ngư dân Quảng Nam nằm bờ. Ảnh: Q.VIỆT

Năm 2010, ông Anh đóng thêm được tàu lưới vây QNa-91018 công suất 780CV. Cùng với tàu lưới vây QNa-90359, 2 chiếc tàu hợp lại, ông Anh làm thuyền trưởng cùng với con trai mình đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa. Mô hình tàu mẹ - tàu con này giúp ông bám biển quanh năm, giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đánh bắt.

Những năm gần đây, cá nục, cá ngừ suy giảm mạnh. Lần lượt các tàu cá của ông Anh đều sụt giảm sản lượng. Riêng năm 2024 này, hễ đi biển là lỗ tổn, ông Anh cho tàu nằm bờ.

“Thỉnh thoảng mới đi vài chuyến cho đỡ nhớ biển, nhân tiện nhắn tin để nhận hỗ trợ dầu đắp đổi qua ngày chứ không còn thả lưới vây cá nữa” - ông Anh nói.

Ngư dân Huỳnh Văn Diệp (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) tính, mỗi chuyến biển của một tàu lưới vây tốn hơn 200 triệu đồng, tiền dầu tốn 150 triệu đồng, còn lại là đá cây, nhu yếu phẩm…

Từ đầu năm đến nay, đi chuyến nào lỗ tổn chuyến đó, ông Diệp đành bán một chiếc tàu lưới vây trả nợ, chiếc còn lại là QNa-91827 dùng để đi… nhắn tin.

“Các chuyến biển chỉ được vài tạ cá. Không hiểu sao mọi năm cá ngừ, cá nục bán được 30 - 40 nghìn đồng/kg thì từ đầu năm đến nay chỉ bán được 15 - 20 nghìn đồng/kg. Chi phí chuyến biển ngày một tăng cao. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi đi biển chủ yếu nhắn tin để nhận hỗ trợ dầu trang trải thường nhật” - ông Diệp nói.

Cùng hoàn cảnh với ông Diệp là các chủ tàu lưới vây Huỳnh Văn Song, Phan Thanh Cảnh, Nguyễn Thanh Thành, Trần Văn Sành, Phạm Xuân Lệ…

Đang vụ cá chính, lại trăng khuyết thuận lợi cho dùng ánh sáng vây cá nhưng khắp sông Trường Giang hay Khu neo đậu tàu cá An Hòa (xã Tam Quang, Núi Thành) la liệt tàu lưới vây nằm bờ. Một ngư dân trả lời thắc mắc của tôi: “Nghề lưới vây chuyển thành nghề… nhắn tin rồi”.
Cá nục, cá ngừ là sản phẩm của nghề lưới vây có giá rất thấp hiện nay. Ảnh: Q.VIỆT

Loay hoay trong khốn khó

Ông Phan Vĩnh Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói: “Chưa bao giờ nghề lưới vây Tam Quang lâm vào cảnh thất bát, thua lỗ đến nỗi bạn biển bỏ đi làm ăn với tàu cá tỉnh bạn. Sản lượng nghề lưới vây từ đầu năm đến nay chỉ bằng 1/4 so với năm trước”.

Theo ông Tiến, ngư dân hành nghề lưới vây rất khó xoay xở để chuyển nghề. Nếu làm ăn đạt, ngư dân có nguồn lực tính đến đầu tư tàu cá khác để đa dạng hóa ngành nghề biển, thua lỗ thì chỉ có cách bán tàu trả nợ.

Không có vốn liếng để đầu tư cho nghề xa bờ khác như lưới chụp, câu mực. Hai nghề này cũng đang đuối sức vì nguồn lợi mực xà cũng sụt giảm mạnh. Chỉ riêng cải hoán, đầu tư ngư lưới cụ cho nghề mới đã ngót nghét hơn 2 tỷ đồng.

Theo ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đơn vị chỉ có thể khuyến khích ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới để tăng năng lực khai thác hải sản hoặc hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục để nhận hỗ trợ dầu với mức 4 chuyến biển/năm.

“Không riêng gì nghề lưới vây, các nghề khác như câu mực khơi, lưới chụp, lưới rê hỗn hợp 3 lớp cũng gặp khó. Vấn đề ở đây là nguồn lợi ngày càng suy kiệt. Chúng tôi chỉ có thể tiếp sức ngư dân tăng năng lực đánh bắt, bảo quản hải sản tốt hơn, giảm chi phí chuyến biển và khơi thông, ổn định đầu ra chứ lao động trên biển phải là tự sức ngư dân” - ông Long nói.

o.canh.jpg
Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh thời còn bám biển Hoàng Sa bằng nghề lưới vây. Ảnh: Q.VIỆT

Ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) là người dày dạn kinh nghiệm của nghề lưới vây Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung.

Nhờ năng lực dò cá đặc biệt của mình, tàu cá của ông Cảnh trước đây luôn đánh bắt được những luồng cá nục, cá ngừ “khủng”. Bởi vậy, nhiều chủ tàu cá muốn hợp sức đánh bắt hải sản với ông Cảnh và thôn Sâm Linh Đông trở thành “tập đoàn lưới vây” với 10 chiếc tàu lớn đều do ông Cảnh làm chủ.

Thời điểm hoàng kim của mình, ông Cảnh có tàu lưới vây đánh bắt, có tàu hậu cần, lại là nhà đầu tư thu mua cá từ các tàu lưới vây khác ở xã Tam Quang. Những năm 2010, nghề lưới vây của xã Tam Quang phát triển rầm rộ, ngư dân có nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng đến nay, ông Cảnh đã bán nhiều tàu lưới vây, còn lại giao cho con trai quản lý.

Còn nhớ ông Huỳnh Minh Cảnh có lần gặp gỡ, trao đổi tâm tư với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 14/4/2013. Một trong những nội dung đáng chú ý là ông lo ngại nạn tận diệt nguồn lợi vẫn diễn ra. Hải sản thiếu bãi đẻ, chỗ sinh trưởng để lớn lên. Cường lực đánh bắt hải sản với tần suất ngày một cao hơn thì trữ lượng hải sản sẽ ngày càng giảm mạnh.

Thông qua Chủ tịch nước, ông Cảnh mong mỏi các cơ quan chức năng khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản và có giải pháp bảo vệ, phát triển. Lời gan ruột của ông Cảnh hơn 11 năm qua đã thành sự thật, khi nhiều tàu cá lưới vây nằm bờ trong vụ sản xuất chính. Sinh kế từ biển chưa bao giờ khó khăn đến thế...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tàu lưới vây của ngư dân Quảng Nam "nằm bờ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO