Những năm gần đây, ngành y tế huyện Tây Giang có nhiều bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.
Vài ngày trước, trong lúc sửa lại căn nhà, ông Pơloong Oói (ở thôn Dầm I, xã Tr’Hy) không may bị ngã, bàn chân bị vật nhọn đâm trúng. Do chủ quan nên ông Oói không đến bệnh viện.
Một thời gian sau, vết thương bị nhiễm trùng nặng, ông được người nhà chở xuống Trung tâm Y tế huyện để thăm khám. Sau khi hội chẩn, bác sĩ tiến hành cắt bỏ phần da bị hoại tử và ghép da. Hiện vết thương ở chân của ông Oói đã dần hồi phục, chuẩn bị xuất viện về nhà.
Mới đây nhất, một sản phụ bị dọa vỡ tử cung trong quá trình chuyển dạ sinh con lần 2. Thời điểm tiếp nhận, sản phụ bị đau bụng dữ dội, tử cung có dấu hiệu sắp vỡ và suy thai.
Trước tình huống nguy cấp, các bác sĩ kíp trực triển khai biện pháp cấp cứu hồi sức cho thai phụ, đồng thời tiến hành gây mê phẫu thuật. Sau hơn một giờ phẫu thuật, ê kíp mổ đã cứu sống được cả mẹ và con trong niềm vui vỡ òa.
Luôn có mặt ở các ca phẫu thuật người bệnh, bác sĩ Arất Giang - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, ông thường xuyên được đơn vị cử đi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm ở tuyến trên.
Qua các lần được làm việc cùng chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, anh cùng nhiều y, bác sĩ khác đã tự tin trong việc làm chủ máy móc hiện đại để cứu chữa người bệnh ngay ở tuyến cơ sở.
Theo bác sĩ Zơrâm Báo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, hơn 20 năm trước, tại các trạm y tế xã, cũng như Trung tâm Y tế huyện chỉ vỏn vẹn vài bộ ống nghe và máy đo huyết áp, máy xét nghiệm máu, máy phân tích nước tiểu đơn thuần... trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất cao.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là hành trình kết nối trở thành tuyến bệnh viên vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng, giúp hoạt động khám chữa bệnh luôn được nâng cao, nhất là việc đầu tư trang bị máy móc y tế hiện đại những năm gần đây.
“Đến nay, 10/10 trạm y tế xã đã có máy thở ô xy và hệ thống máy súc rửa dạ dày, máy thở khí dung và các dụng cụ phục vụ cấp cứu ban đầu. Máy móc, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện cũng được đầu tư tương đối đầy đủ và hiện đại như X-quang số hóa, máy nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng; máy điện giải đồ, máy xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu tự động...” - bác sĩ Zơrâm Báo chia sẻ.
Nhiều năm qua, quá trình nâng cao tay nghề giúp đội ngũ y bác sĩ của đơn vị cấp cứu thành công những ca phẫu thuật khó. Trong đó, có ca sản phụ thai ngoài tử cung vỡ, mất máu nặng vào năm 2017, được Thứ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến gửi thư khen ngợi.
Đơn vị hiện làm chủ nhiều dịch vụ kỹ thuật mới về chăm sóc sức khỏe như mổ cấp cứu thai ngoài tử cung vỡ mất máu, mổ kết hợp xương và lấy phương tiện kết hợp xương, xử lý các vết thương phức tạp, nối gân...
“Để nâng cao chất lượng các dịch vụ, thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị.
Đặc biệt, chúng tôi đang từng bước nâng cao năng lực quản lý, phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... hướng đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách chăm sóc sức khỏe giữa miền núi và đồng bằng” - bác sĩ Zơrâm Báo thông tin.