Thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh về sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn, huyện Tây Giang đã và đang tích cực triển khai, tổ chức các cuộc họp dân để bàn và thống nhất phương án sáp nhập, đặt tên thôn mới.
Người dân thôn Adốc, xã Bha Lêê góp ý kiến về sáp nhập và đổi tên thôn. Ảnh: HIỀN THÚY |
Để việc sắp xếp sáp nhập, đổi tên thôn được thuận lợi, vận động tuyên truyền người dân hiểu rõ về chủ trương này, huyện Tây Giang phân công thành viên lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện phụ trách từng địa bàn. Qua đó trực tiếp tham gia các cuộc họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng ở cơ sở về việc sáp nhập và đổi tên thôn.
Lắng nghe ý dân
Tại hội nghị lấy ý kiến những người uy tín tham gia xây dựng chính quyền mới đây, trên cơ sở những ý kiến các vị già làng người có uy tín, UBND huyện Tây Giang đã thống nhất tổ chức, sắp xếp giảm từ 70 thôn hiện nay xuống còn 63 thôn; trong đó có 9 thôn sắp xếp đổi tên mới. Hiện nay 10 xã trên địa bàn Tây Giang đã hoàn thành đề án thành lập thôn mới. Trong quá trình thực hiện đều triển khai lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập, thành lập mới các thôn một cách công khai, dân chủ nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
“Qua cuộc họp thôn, người dân chúng tôi đã nghe, đã hiểu và đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập. Điều người dân mong muốn là sau khi thành lập, phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ thôn có năng lực, phẩm chất tốt để đưa thôn mới ngày càng phát triển” (Ông Alăng Vơợ, người dân thôn Apát 3) |
Xã A Vương hiện có 14 thôn và khu dân cư, sau khi rà soát, xã lập đề án tiến hành sáp nhập còn 9 thôn. Tại cuộc họp lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập thôn La’a và thôn Apát 3 do UBND xã vừa tổ chức, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về những khó khăn gặp phải nếu sáp nhập thành thôn mới, trong đó cái khó lớn nhất là địa bàn rộng, dân cư sống dàn trải sẽ khó cho công tác quản lý địa bàn và đầu tư phát triển... Trên tinh thần dân chủ, lãnh đạo huyện, xã lắng nghe ý kiến tại cuộc họp, đồng thời phân tích và nhấn mạnh việc sáp nhập thôn là để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển; về câu chuyện quản lý và đầu tư, chính quyền sẽ có giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đối với việc đặt tên thôn mới, sẽ thuận theo ý kiến thống nhất của nhân dân, sao cho phù hợp văn hóa lịch sử của địa phương. Sau khi thảo luận bàn bạc, cuối cùng hầu hết người dân 2 thôn thống nhất sáp nhập lập thành thôn mới với tên gọi “Chagang”. Hay ở xã Bha Lêê, chính quyền các cấp đang tiến hành sắp xếp sáp nhập từ 10 thôn còn 7 thôn. Tại cuộc họp lấy ý kiến sáp nhập thôn Adốc và thôn Aung mới đây, hầu hết người dân cũng đồng tình với chủ trương sáp nhập và thống nhất chọn Adốc làm tên mới của thôn.
Giải quyết vướng mắc
Ở các cuộc họp thôn, người dân cũng đã thẳng thắn nêu lên những mong mỏi, chia sẻ những vấn đề mà họ lo ngại sẽ gặp phải sau sáp nhập. Ông Alăng Vơợ, người dân thôn Apát 3 nói: “Qua cuộc họp thôn, người dân chúng tôi đã nghe, đã hiểu và đồng tình ủng hộ chủ trương sáp nhập. Điều người dân mong muốn là sau khi thành lập, phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ thôn có năng lực, phẩm chất tốt để đưa thôn mới ngày càng phát triển”. Còn già làng Bnướch Chờ, ở thôn Adốc, chia sẻ: “Tôi cũng thống nhất sáp nhập, nhưng lo ngại rằng khi sáp nhập thành thôn mới sẽ có sự pha tạp văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh. Hiện thôn Adốc có 60 hộ/300 nhân khẩu, thôn Aung có 114 hộ /520 nhân khẩu, khi sáp nhập địa hình xa, dân số đông; rồi khi nhập thành thôn mới, số lượng đảng viên đông hơn, nên việc quản lý, tổ chức sinh hoạt đảng tất nhiên sẽ gặp khó... Vì vậy, tôi mong huyện, xã sau này tính toán tìm cán bộ thôn có năng lực, có tâm huyết, có phẩm chất đạo đức tốt mới quản lý thôn tốt được”.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định, người dân có thể yên tâm về năng lực quản lý của cán bộ thôn mới sau sáp nhập. Huyện đang xây dựng đề án nhân sự, trong đó có cơ chế hỗ trợ cán bộ thôn nghỉ, dôi dư do sắp xếp; đồng thời giới thiệu người có đủ trình độ, năng lực làm cán bộ thôn mới. Sáp nhập thôn là chủ trương về quản lý nhà nước, sẽ có nhiều tổ trong thôn và từng tổ trưởng được giao nhiệm vụ quản lý tổ dân cư của mình. Về văn hóa, những thôn đã có gươl, sau khi sáp nhập vẫn giữ nguyên, mọi hoạt động văn hóa lễ hội của làng cũ vẫn diễn ra theo truyền thống, không xáo trộn. Huyện cũng sẽ ban hành quy chế chung về quản lý thôn một cách cụ thể, thiết thực; tiếp tục đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như nước sinh hoạt, điện, đường, trường, công trình thủy lợi theo nhu cầu…
HIỀN THÚY