Nông nghiệp

Bảo vệ thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh - Bài 2: Thách thức bảo vệ thương hiệu

HỒ QUÂN - PHAN VINH 27/04/2025 13:55

(QNO) - Từ vùng lõi của cây dược liệu được mệnh danh là “quốc bảo”, sâm Ngọc Linh đang đứng trước những thách thức như mất kiểm soát giống, thật - giả lẫn lộn, sản phẩm chế biến không truy xuất được nguồn gốc, người trồng sâm thì bị bó buộc trong những quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đã đến lúc cần bảo vệ giá trị gốc của thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh bằng hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế kiểm định minh bạch và chính sách đồng hành thực chất với người dân, tổ chức, doanh nghiệp trồng sâm.

BAI 2 BIA

(QNO) - Mệnh danh là "quốc bảo" nhưng sâm Ngọc Linh hiện đối diện với nhiều thách thức như mất kiểm soát giống, thật - giả lẫn lộn, sản phẩm chế biến không truy xuất được nguồn gốc, người trồng sâm thì bị bó buộc trong những quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đã đến lúc cần bảo vệ giá trị gốc của thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh bằng hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế kiểm định minh bạch và chính sách đồng hành hiệu quả với người dân, tổ chức, doanh nghiệp trồng sâm.

Thiếu cơ chế bảo vệ vùng trồng

Trong hành trình gần 50 năm kể từ khi được phát hiện trên đỉnh Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh đã từ loài thảo dược quý hiếm trở thành niềm tự hào, biểu tượng kinh tế và thương hiệu quốc gia gắn với tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, đi cùng tiềm năng phát triển ấy là những thách thức rất lớn trong quản lý vùng trồng, bảo vệ thương hiệu và nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm từ loại dược liệu quý này.

TROM SAM 7
Người dân thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My tham gia trồng sâm dưới tán rừng. Ảnh: PHAN VINH

Theo UBND huyện Nam Trà My, địa phương hiện có khoảng 1.800 hộ dân tham gia trồng sâm với tổng diện tích quy hoạch đạt hơn 2.500ha, trong đó hơn 1.100ha đã đưa vào trồng thực tế, tập trung chủ yếu ở 7 xã vùng cao như Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Don… Ngoài ra, còn có 3 doanh nghiệp lớn và nhiều nhóm hộ sản xuất liên kết trồng sâm theo mô hình cộng đồng. Tổng sản lượng khai thác hằng năm được kiểm soát ở mức vài trăm ký, phần lớn cung ứng cho thị trường trong nước, phục vụ tiêu dùng và nghiên cứu chế biến.

Theo Nghị quyết số 40 ngày 26/10/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, mục tiêu tỉnh đặt ra là đưa diện tích trồng sâm lên 3.000ha, sản lượng khai thác ước tính 30 - 40 tấn/năm, phát triển các sản phẩm chế biến từ sâm thành nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia.

Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng trở thành trụ cột trong chiến lược hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia tại Quảng Nam, theo Quyết định số 174 ngày 28/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với bảo tồn gen quý, xây dựng mô hình liên kết doanh nghiệp - người dân, xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… đã được địa phương đưa vào kế hoạch cụ thể.

SAM NGOC LINH 1
Sâm Ngọc Linh được kỳ vọng trở thành trụ cột trong chiến lược hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia tại Quảng Nam. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh uỷ Lương Nguyễn Minh Triết thăm Trạm Dược liệu Trà Linh (Nam Trà My) vào năm 2024. Ảnh: HỒ QUÂN

Tuy nhiên, trên thực tế, người trồng sâm vẫn gặp nhiều rào cản. Đó là việc mở rộng diện tích trồng sâm đang vấp phải giới hạn về địa hình, thiếu hệ thống hạ tầng đi kèm, đặc biệt là thiếu cơ chế bảo vệ vùng trồng khỏi tình trạng xâm lấn, phá hoại và trộm cắp ngày càng tinh vi. Dù tỉnh đã quy hoạch vùng sâm, song phần lớn diện tích hiện nay vẫn nằm trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nơi việc can thiệp hạ tầng, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, vận chuyển vật tư đều bị ràng buộc bởi quy định nghiêm ngặt.

Ngoài ra, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất - chế biến sâm tại Quảng Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng hầu hết vẫn là quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu ở dạng tươi hoặc sơ chế, ít có đơn vị đầu tư bài bản vào công nghệ chế biến sâu, bao bì - nhãn mác đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

SAM NGOC LINH 2
Sâm Ngọc Linh được các hộ kinh doanh sơ chế đơn giản thành các sản phẩm như rượu sâm, sâm ngâm mật ong. Ảnh: PHAN VINH

Sự gia tăng về nhu cầu sử dụng sâm, cùng với giá trị thị trường cao, đã thúc đẩy người dân và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, nhưng đồng thời cũng làm phát sinh những hệ lụy lớn từ nạn trộm sâm, đến tình trạng giả mạo sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh và đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ người trồng sâm chính thống trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa không rõ nguồn gốc.

[VIDEO] - Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ về an ninh sâm:

Thật giả lẫn lộn

Nếu như những vụ trộm sâm khiến người trồng mất trắng tài sản, thì câu chuyện “sâm giả đội lốt sâm thật” lại âm thầm tác động tiêu cực vào giá trị thương hiệu, làm xói mòn niềm tin của thị trường, điều nguy hiểm nhất đối với một sản phẩm nông nghiệp đặc hữu đang trong lộ trình vươn ra biển lớn như sâm Ngọc Linh.

SAM NGỌC LINH 1
Thẩm định sâm trước khi đưa vào kinh doanh tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu Nam Trà My. Phiên chợ này được duy trì tổ chức hằng tháng. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My, là người trực tiếp kiểm định chất lượng sản phẩm sâm tại các phiên chợ sâm tổ chức hằng tháng cho biết, địa phương hiện chưa có một hệ thống kiểm định đủ thuyết phục. Việc kiểm tra vẫn phải dựa vào kinh nghiệm cảm quan, xem hình dáng củ, vết sẹo, màu sắc, độ mềm và các đặc điểm nhận diện bằng mắt thường. Không có máy kiểm định ADN, không có phòng xét nghiệm nhanh saponin, nên chỉ khi củ sâm có biểu hiện quá rõ ràng thì mới phát hiện được. Còn lại, chỉ có thể tin vào sự trung thực của người bán - giả thuyết khá mong manh ở thị trường siêu lợi nhuận như sâm Ngọc Linh.

TRINH MINH QUY

Tình trạng trộn sâm giả sâm Ngọc Linh đã từng xảy ra ngay tại các phiên chợ. Có vụ bị phát hiện, xử phạt hành chính 30 triệu đồng, nhưng đó là con số quá nhỏ so với khoản lãi hàng trăm triệu đồng mỗi phi vụ nếu qua mắt được lực lượng chức năng. Phạt xong, người bán biến mất. Người mua mất niềm tin. Nhưng quan trọng hơn, chính thương hiệu sâm Ngọc Linh bị tổn thương"

Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My

Câu chuyện đáng lo hơn nằm ở nguồn giống sâm Ngọc Linh. Đã có không ít hộ dân do thiếu thông tin hoặc vì ham giá rẻ đã mua nhầm giống không rõ nguồn gốc, trồng nhiều năm mới phát hiện là sai giống. Một số hộ khác, không kiểm tra kỹ, vẫn đưa sản phẩm ra thị trường. Có người, khi được hỏi, còn ngỡ ngàng không biết giống mình trồng là sâm gì.

Ông Quý cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp hộ dân mua giống từ thương lái hoặc người quen, không có giấy tờ chứng nhận. Sau 3-4 năm chăm sóc mới phát hiện củ không đúng cấu trúc thân rễ của sâm Ngọc Linh”.

[VIDEO] - Ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My nói về việc thẩm định sâm tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hằng tháng:

Không dừng lại ở việc trồng nhầm giống, mối nguy lớn hơn đến từ các sản phẩm chế biến sâu, đây vốn là hình thức “tiếp cận mềm” của người tiêu dùng với sâm. Hiện nay, rượu sâm, trà sâm, viên nang sâm, nước cốt sâm… được bày bán rộng rãi từ chợ phiên, cửa hàng lưu niệm đến các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn sản phẩm này không thể truy xuất nguồn gốc vùng trồng, chưa được giám định hoạt chất, thậm chí có đơn vị còn không hề trồng sâm nhưng vẫn đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm gắn nhãn “Ngọc Linh”.

SAM NGOC LINH 5
Ông Bùi Như Chương - Hộ trồng sâm lâu năm tại xã Trà Linh, Nam Trà My cho rằng rất khó phân biệt thật, giả đối với các sản phẩm rượu sâm do việc kiểm nghiệm còn mập mờ, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng và giảm giá trị cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: PHAN VINH

Ông Bùi Như Chương, một hộ trồng sâm lâu năm tại xã Trà Linh cho biết, ông trồng sâm từ 2012, mỗi năm chỉ chọn được vài chục củ đủ chuẩn để ngâm rượu, chia làm vài chục bình nhỏ để biếu tặng hoặc bán trong phiên chợ sâm, bởi vì dù trồng nhiều nhưng sâm mang đi ngâm rượu phải chọn lựa rất kỹ.

Ngoài thị trường, tôi thấy có nơi rao bán hàng trăm lít rượu sâm mỗi tháng. Họ không có vườn sâm, không thuộc vùng quy hoạch, nhưng vẫn dán nhãn "sâm Ngọc Linh chính gốc". Vấn đề ở đây là sâm củ tươi giả đã khó nhận biết, trong khi củ sâm ngâm trong rượu đã bị đổi màu, thậm chí, có những chai rượu chỉ có màu vàng, không có gì chứng minh được trong đó có sâm"

Ông Bùi Như Chương

Thực trạng này không chỉ khiến người tiêu dùng bị lừa, mà còn đẩy các cơ sở làm ăn tử tế vào thế bị nghi ngờ. Việc sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn bắt buộc về truy xuất vùng trồng, chưa có hệ thống tem thông minh hay mã hóa định danh giống. Rõ ràng, có khoảng trống trong giám sát từ đầu vào các sản phẩm sâm.

[VIDEO] - Ông Bùi Như Chương - Hộ trồng sâm ở thôn 2, xã Trà Linh:

Chính sách chưa theo kịp thực tiễn

Nam Trà My là nơi được quy hoạch vùng trồng sâm trọng điểm của tỉnh Quảng Nam nhưng phần lớn diện tích sâm hiện nay được trồng trong các khu rừng phòng hộ. Đây là điều kiện tự nhiên lý tưởng để sâm phát triển, nhưng đồng thời cũng kéo theo hàng loạt ràng buộc pháp lý.

Theo quy định hiện hành, các hộ dân và doanh nghiệp không được phép mang vật liệu xây dựng không thân thiện vào rừng, không được dựng rào chắn kiên cố, không lắp điện, không sử dụng camera an ninh, trong khi đó, mỗi gốc sâm có thể trị giá hàng triệu đồng, mỗi vườn sâm là khối tài sản hàng chục tỷ đồng.

SAM NGOC LINH 6
Nếu không cho đưa sắt, thép, nhà lưới vào vùng trồng sâm sẽ là bài toán khó cho người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản, ứng phó thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Nguyễn Vinh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết, đơn vị đã nhiều lần tiếp nhận kiến nghị từ các hộ trồng sâm về việc lắp đặt hệ thống bảo vệ, nhưng đều vướng quy định về bảo vệ rừng.

Giữa bài toán giữ rừng và bảo vệ tài sản, chúng tôi thực sự lúng túng. Vườn sâm của dân nằm trong rừng, mà theo luật thì không được làm hàng rào sắt, không được kéo dây điện hay lắp camera. Nhưng nếu không có các thiết bị này, thì làm sao kiểm soát nổi tình trạng trộm cắp? Nhiều hộ dân đã phải canh rừng cả ngày lẫn đêm, thậm chí dựng chòi ngủ tại vườn. Về lâu dài, nếu không có cơ chế đặc thù, chắc chắn sẽ khó thu hút thêm người trồng và nhà đầu tư"

Ông Nguyễn Vinh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My

Các doanh nghiệp tham gia trồng sâm tại Nam Trà My cũng gặp không ít trở ngại. Một số đơn vị phản ánh, dù đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thuê rừng, cải tạo đất, xây dựng vùng nguyên liệu nhưng vẫn không được hỗ trợ về hạ tầng, đường sá vào vườn hoặc điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, để xây dựng được thương hiệu bền vững, doanh nghiệp phải đồng thời đầu tư vào giống, nhân lực, kiểm nghiệm, truyền thông và chuỗi phân phối, một gánh nặng không dễ chia sẻ nếu thiếu các chính sách từ Nhà nước.

SAM NGOC LINH 7
Người trồng sâm vẫn đang bán sâm bằng niềm niềm tin đã xây dựng đối với khách hàng. Ảnh: HỒ QUÂN

Bà Nguyễn Thị T., đại diện một công ty đang triển khai vùng trồng sâm tại xã Trà Nam, cho biết: “Nhiều người nghĩ doanh nghiệp có vốn thì không cần hỗ trợ, nhưng để làm sâm thật, sản phẩm đạt chuẩn hay đủ điều kiện dán nhãn "sâm Ngọc Linh", doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình khắt khe từ giống đến chế biến, kiểm định. Chỉ riêng khâu kiểm nghiệm hoạt chất đã mất vài chục triệu đồng cho mỗi lô sản phẩm. Nhưng nếu chúng tôi kêu khó, thì nhiều khi lại bị hiểu sai là đang đòi hỏi chính sách”.

Hiện tại, phần lớn sản phẩm từ sâm Ngọc Linh mới dừng lại ở các phiên chợ địa phương hoặc cửa hàng nhỏ lẻ. Việc tiếp cận hệ thống phân phối lớn, siêu thị, nhà thuốc hay các thị trường quốc tế vẫn còn xa vời với nhiều hộ trồng và doanh nghiệp nhỏ. Nguyên nhân không chỉ nằm ở năng lực tiếp thị, mà còn do thiếu hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu tập thể, hồ sơ công bố chất lượng, đây là những thủ tục vượt quá khả năng tự thân của người dân vùng cao.

SAM NGOC LINH 8
Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hằng tháng là địa chỉ mua sâm uy tín, được UBND huyện Nam Trà My cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 40 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, định hướng đến 2035, tuy nhiên, cần phảo tháo các rào cản để đưa nghị quyết đi vào đời sống.

“Người dân vùng sâm đã dốc vốn liếng, công sức, thậm chí chấp nhận đánh đổi nhiều điều để giữ cây sâm Ngọc Linh. Nhưng nếu họ không được hỗ trợ đúng cách, không có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ, mở rộng diện tích, thì rất khó phát triển bền vững. Muốn thương hiệu sâm quốc gia tồn tại lâu dài, Nhà nước phải đồng hành với người trồng và doanh nghiệp” - ông Mẫn nói.

[VIDEO] - Phiên chợ sâm và dược liệu Nam Trà My được duy trì tổ chức hằng tháng để xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh:

Thực hiện: HỒ QUÂN - PHAN VINH

Bài cuối: Đề xuất giải pháp

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh - Bài 2: Thách thức bảo vệ thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO