Nhắc lại hành trình hơn 20 năm THACO đặt chân đến Quảng Nam, ông Trần Bá Dương nói, đó là cơ duyên với một doanh nghiệp rất nhỏ, được lãnh đạo tỉnh mời về đầu tư vào năm 2003. Và Khu kinh tế mở Chu Lai ngày ấy là một dự án chất chứa khát vọng thoát nghèo của Quảng Nam.
Giai đoạn 2003-2020, THACO đầu tư hạ tầng, tập trung phát triển sản xuất, với khởi điểm là lắp ráp ô tô, sản xuất linh kiện phụ tùng. Sau đó, từng bước gia tăng tự động hóa và phát triển logistic. Cách đây hơn một thập kỉ, đây là lĩnh vực còn rất thiếu ở khu vực miền Trung.
Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, khi quốc gia mở ra tầm nhìn đến năm 2018, thuế suất xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Năm bằng 0, đã tạo cơ hội bứt phá mới. THACO hình thành cho mình vai trò, vị trí là một doanh nghiệp động lực của Quảng Nam nói riêng và một số ngành, lĩnh vực trong nước về cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói chung.
Hệ thống hạ tầng cảng được chúng tôi đầu tư mạnh. Song, chúng tôi nhận ra, giá thành logistic tại Quảng Nam vẫn cao hơn so với 2 đầu đất nước 20%. Để giải quyết điểm mấu chốt này, chúng tôi đã có hàng nhập là linh kiện để sản xuất, láp ráp, sau đó xuất khẩu. Đáng nói, hàng xuất của chúng tôi vẫn còn thiếu. Trong khi để duy trì logistics, phải có hàng container hàng ngày.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO
Giải quyết tình trạng thiếu hàng xuất đi, THACO tham gia phát triển các mô hình trồng trọt quy mô lớn tại Lào, Campuchia và các tỉnh Tây Nguyên. Hiện THACO đã hoàn thiện quy trình sản xuất, trồng các loại cây ăn quả nhiệt đới như xoài, bưởi, sầu riêng và đặc biệt là chuyên canh chuối, dứa. Với nền tảng hữu cơ, sản xuất tập trung gắn với cơ giới hóa và quản lý công nghiệp, những chuỗi giá trị nông nghiệp đã hình thành. Nhờ đó, đến cuối năm nay, THACO có 1.000 tấn trái cây tươi mỗi ngày để xuất khẩu. Và năm 2025, tập đoàn sẽ đạt mục tiêu 2.000 tấn/ngày. Như vậy, trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 100-200 container xuất khẩu.
“Chúng tôi nghiên cứu quy hoạch tỉnh Quảng Nam, nhất là định hướng khơi thông tuyến Cửa Lở, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng. Đây là dự án chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu theo hình thức PPP. Cùng với đó, sẽ nghiên cứu, tham gia phát triển hệ thống giao thông đường bộ, trong đó tập trung cho các trục đường nhanh, đầu tư theo hình thức BOT để đẩy mạnh tuyến Nam Lào, Bắc Campuchia và Tây Nguyên về Chu Lai” - ông Trần Bá Dương nói.
Trong tháng 5/2024, THACO sẽ hoàn thành đầu tư, xây dựng bến cảng cho tàu 5 vạn tấn.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO
Theo nhận định của ông Dương, quy hoạch tỉnh Quảng Nam vạch ra đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm logistics là rất khả thi, nhất là khi tuyến Cửa Lở được đầu tư, hoàn thiện sớm. Đến lúc đó, các tàu lớn chở hàng sẽ cập cảng dễ dàng, giải quyết được chi phí logistics. Và khi chi phí này thấp thì các nhà đầu tư sẽ đến với Quảng Nam và tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ.
[VIDEO] - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cảng Chu Lai năm 2022: