Môi trường

Thăng Bình chủ động xây dựng khu xử lý rác thải rắn

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 11/12/2024 15:00

(QNO) - Huyện Thăng Bình đã chọn địa điểm xây dựng khu xử lý rác thải rắn tập trung tại thôn Đức An (xã Bình Phú) với quy mô 7ha. Vấn đề đặt ra với địa phương lúc này là phải tính đến bài toán môi trường, giảm thiểu tác động đến đời sống người dân cả hiện tại và lâu dài ở vùng dự án.

Màu
Khu xử lý rác thải huyện Thăng Bình tại thôn Đức An xã Bình Phú

Còn nhớ vào năm 2019, tỉnh Quảng Nam, trong đó có Thăng Bình đã phải ứng phó với sự cố môi trường do Nhà máy xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) ngừng hoạt động. Sự cố xảy ra 2 tháng đã gây ùn ứ rác nghiêm trọng. Từ lần đó, huyện Thăng Bình đã phải yêu cầu mỗi địa phương cần quy hoạch ít nhất một điểm xử lý rác thải dự phòng sự cố nhỏ. Còn với cấp huyện chọn thôn Đức An để làm khu xử lý rác thải rắn phòng sự cố tương tự.

Đảm bảo vệ sinh môi trường

Vị trí quy hoạch khu xử lý chất thải rắn huyện Thăng Bình đã được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 72 ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ tại thôn Đức An xã Bình Phú. Tổng diện tích khoảng 7ha, trong đó chủ yếu là đất rừng sản xuất. Trong 7ha được quy hoạch, huyện Thăng Bình đầu tư hệ thống xử lý rác thải bằng hình thức xử lý chôn lấp trong phạm vi khoảng 2ha, còn lại là vùng phụ trợ để trồng cây xanh, đầu tư hạ tầng liên quan với kinh phí hơn 25 tỷ đồng.

z6116179108745_73d6387c819ef28932a89502548b613e.jpg
Người dân xã Bình Phú nêu ý kiến về khu xử lý rác thải tập trung huyện Thăng Bình. Ảnh: BIÊN THỰC

Theo quy hoạch, ranh giới khu vực khu xử lý rác thải cách 2 nhà dân gần nhất khoảng 400m, cách 1 nhà dân khoảng 600m và cách 2 cụm dân cư khoảng 750m với 15 hộ dân.

Ông Nguyễn Tâm – thôn Đức An (xã Bình Phú) cho hay, vị trí mà huyện chọn nằm ở khu vực đầu nguồn. Do đó cần phải tính toán chi tiết, chú trọng đến tác động môi trường. Làm sao để những hộ dưới thượng nguồn không bị ảnh hưởng. Rồi còn câu chuyện bàn tính xe chạy như thế nào, bao nhiêu chuyến trên ngày để không ảnh hưởng đến đời sống, giao thông.

“Không ai muốn đem rác của cả huyện về địa phương của mình, tuy vậy đây là chủ trương chung, người dân cũng phải đồng thuận. Đối với chính quyền các cấp khi triển khai thực hiện không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, việc đền bù, hỗ trợ phải tương xứng để người dân bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống lâu dài”- ông Lê Có (thôn Đức An xã Bình Phú) nêu ý kiến.

z6116219916984_e68769f1395eec0500863fba49c06eec.jpg
Ông Cao Ngọc Sang (bên phải) - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho hay sẽ thực việc lấy mẫu nguồn nước định kỳ để đánh giá tác động môi trường. Ảnh: BIÊN THỰC

Ông Cao Ngọc Sang, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thăng Bình cho biết, khu xử lý rác thải này được thực hiện theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất xử lý ước đạt 50 tấn/ngày đêm. Trước, trong và sau khi khu xử lý rác thải đi vào hoạt động, địa phương cũng sẽ thường thực hiện việc lấy mẫu nguồn nước định kỳ để đánh giá tác động môi trường.

Chủ động điểm xử lý rác thải rắn

Cũng theo ông Cao Ngọc Sang, từ sau sự cố môi trường vào năm 2019, huyện Thăng Bình đã yêu cầu mỗi địa phương phải quy hoạch ít nhất một điểm xử lý rác thải tại chỗ, trong đó thị trấn Hà Lam quy hoạch 7 điểm. Đối với cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt xây dựng khu xử lý rác thải rắn tại thôn Đức An xã Bình Phú.

z6115222529614_264f8064270f8e5198e8f16f136e9105.jpg
Ước tính mỗi ngày toàn huyện Thăng Bình phát sinh trên 93 tấn rác, trong đó Công ty Môi trường Quảng Nam thu gom khoảng 84 tấn. Ảnh: BIÊN THỰC

Ước tính mỗi ngày, toàn huyện Thăng Bình phát sinh hơn 93 tấn rác, trong đó Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom khoảng 84 tấn. Thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 2/7/2020 về phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Thăng Bình giai đoạn 2020 – 2025, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ dân và các tổ chức được trang bị kiến thức và kỹ năng về phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn; 70% hộ dân và các tổ chức đăng ký và thực hiện phân loại rác thải. Tổng kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng. Đến nay huyện Thăng Bình đã có 13 địa phương thực hiện nghị quyết trên, năm 2025 sẽ thực hiện tất cả các xã còn lại. Điều này kỳ vọng giảm được lượng rác thải ra môi trường, cũng đồng nghĩa với việc giảm áp lực thu gom cho khu xử lý rác sau này.

Theo bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu xử lý rác thải rắn huyện Thăng Bình lần này nhằm mục đích cụ thể hóa Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Cạnh đó, khu xử lý cũng sẽ giúp địa phương tiết kiệm các chi phí liên quan đến quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

z6116248053046_b38ce96588372f5cf052fe97fc6ca1ae.jpg
Bà Phan Thị Nhi (trái) - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình mong muốn người dân đồng thuận để xây dựng khu xử lý rác thải. Ảnh: BIÊN THỰC

“Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với đơn vị liên quan đưa công nghệ xử lý các loại chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, hiệu quả về môi trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và các khu vực lân cận. Việc xây dựng khu xử lý rác thải rắn huyện là điều cần thiết phải làm để phòng sự cố như năm 2019. Đương nhiên trong quá trình thực hiện, huyện Thăng Bình phải tính toán rất nhiều bước, nhiều việc. Khu xử lý vận hành không tác động đến đời sống, đồng thời giúp người dân có sinh kế ổn định lâu dài” - bà Nhi nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình chủ động xây dựng khu xử lý rác thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO