Thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực du lịch, giới thiệu, quảng bá du lịch được triển khai với nhiều hình thức; cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư… là những dấu ấn về phát triển du lịch huyện Thăng Bình thời gian qua.
Những dấu ấn
Du khách rất dễ nhìn thấy biển hiệu quảng bá, bảng chỉ dẫn đường đến bãi tắm xã Bình Minh khi đi qua quốc lộ 1 đoạn thị trấn Hà Lam hay đường Võ Chí Công giao nhau với quốc lộ 14E. Đến bãi biển Bình Minh, du khách được tạo thuận lợi tối đa từ chỗ để xe, khu tắm nước ngọt và vệ sinh, khu vực ẩm thực.
Ấn tượng nhất là bãi tắm Bình Minh vẫn giữ được nét hoang sơ tự nhiên, cát trắng phau mịn màng mời gọi. Con số hơn 4 nghìn lượt khách đến tham quan, tắm biển ở bãi tắm Bình Minh trong năm 2023 kỳ vọng sẽ được nâng lên trong năm tới.
Ông Nguyễn Tấn Quất - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Để phục vụ du khách các nơi đến Bình Minh, người dân đã hình thành và phát triển các dịch vụ ăn uống, giải khát, lưu trú, tiêu thụ mạnh hải sản đánh bắt của ngư dân.
Đã có 2 doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng làng biển nhiệt đới (3,6ha) và khu du lịch dịch vụ bãi tắm Bình Minh (2,2ha). Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sẽ tiếp tục được trình diễn ở bãi biển Bình Minh thời gian đến để thu hút khách”.
Làng Cửa Khe (xã Bình Dương) với những tài nguyên thiên nhiên, lịch sử - văn hóa thuận lợi để phát triển du lịch. Đường biển dài 4,5km rất bắt mắt với bãi cát mịn màng hun hút tầm mắt.
Cửa Khe còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển từ đi thuyền thúng, đánh lưới, đặt lờ, kéo rùng đến lễ hội cầu ngư, hát múa bả trạo. Nơi đây có làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe nổi tiếng, thu hút du khách đến trải nghiệm.
Cửa Khe có nhiều di tích lịch sử được khai thác du lịch. Trong năm nay, UBND huyện Thăng Bình đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thể thao miền biển tại bãi biển Cửa Khe, đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Năm 2023, làng Cửa Khe là 1 trong 3 điểm du lịch sinh thái được UBND tỉnh giới thiệu trong chương trình “Quảng Nam - cảm xúc mùa hè”. Và cũng trong năm nay, làng Cửa Khe là một trong 3 địa phương trên toàn tỉnh được đầu tư xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Nguyên Tùng - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe nói: “Để khai thác thế mạnh du lịch, mong UBND huyện Thăng Bình huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tại làng Cửa Khe, nhất là đường nối từ đường Võ Chí Công vào làng Cửa Khe. Chính quyền xem xét, tạo điều kiện để hợp tác xã được thuê quản lý bãi biển để mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch địa phương”.
Trên địa bàn huyện Thăng Bình còn có lễ hội rước cộ bà Chợ Được, bàu Hà Kiều, di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, các danh thắng hồ Cao Ngạn, Phước Hà, Đông Tiển, nhiều di tích lịch sử - văn hóa… được khai thác, tạo cú hích phát triển du lịch thời gian qua.
Tiếp đà phát triển
Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, mà còn góp phần quan trọng vào việc hợp tác, bảo tồn, giao lưu và quảng bá văn hóa. Vì vậy, Thăng Bình đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đánh giá, nhiều loại hình tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, hoạt động thể thao… thu hút lượng khách lớn đến tham quan đã quảng bá hình ảnh, con người Thăng Bình, đem lại thu nhập cho người dân tham gia hoạt động du lịch, đóng góp ngân sách huyện.
Bà Nhi cho rằng, để tạo động lực phát triển du lịch, huyện tập trung vào nhiều giải pháp như nâng cao quản lý phát triển du lịch; tiếp tục quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách, thu hút đầu tư vào các khu du lịch biển, du lịch sinh thái sông, làng nghề. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến để xây dựng những tour du lịch, sản phẩm du lịch trải nghiệm.
“Thăng Bình tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú tham dự các sự kiện du lịch của tỉnh, trong nước, khu vực để giới thiệu, liên kết chặt chẽ với các địa phương khác. Huyện đề xuất tỉnh đẩy nhanh bảo tồn, khảo cổ, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương” - bà Nhi nói.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, đơn vị sẽ tham mưu UBND huyện tranh thủ các nguồn vốn trung ương, tỉnh, các chương trình mục tiêu, huy động nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển du lịch.
Huyện đẩy nhanh phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp - nông thôn nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách. Đồng thời hướng dẫn các địa phương khai thác phát triển du lịch tại hố Cam, hố Thác, hồ Phước Hà (xã Bình Phú), du lịch làng Cửa Khe, du lịch Trà Đõa (Bình Đào)...
Trong năm đến huyện đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà tiền hiền và nơi thờ ông tổ nghề làm mắm tại làng Cửa Khe. Đầu tư xây dựng Văn thánh Thăng Bình và nhà lưu niệm cụ Hà Đình Nguyễn Thuật để lưu giữ và giới thiệu cho thế hệ trẻ, khách du lịch về truyền thống hiếu học, lễ nghĩa của địa phương.