Đến nay, cả 20 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thăng Bình đều đã đạt chuẩn; địa phương đang tập trung các nguồn lực xây dựng huyện NTM, tiếp tục nâng cao đời sống của người dân.
Ngày càng khởi sắc
Trừ thị trấn Hà Lam và xã Bình Minh xây dựng đô thị, cả 20 xã còn lại của huyện Thăng Bình đều đã về đích NTM. Rất dễ nhận thấy kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn Thăng Bình được đầu tư kiên cố, nhất là giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, các cơ sở vật chất văn hóa, chợ, thể thao, trường học, trạm y tế. Đời sống của người dân được nâng lên nhờ sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Như ông Trần Văn Long (thôn Bình Hội, xã Bình Quế, Thăng Bình) đầu tư 12 bể xi măng để nuôi lươn không bùn. Ở mỗi bể, ông Long thả nuôi 2.000 con lươn giống. Sau 7 tháng thả nuôi, thu hoạch hơn 5 tấn lươn, ông Long bán được 800 triệu đồng, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Quý (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) đầu tư 400 trụ tiêu trên diện tích 2.000m2 , mỗi năm thu hoạch được 700kg tiêu khô, thu nhập hơn 70 triệu đồng.
“Hồ tiêu là loại cây thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Huyện lại có khuyến khích, hỗ trợ hàng chục triệu đồng nên tôi mạnh dạn đầu tư đúng quy trình, chăm sóc kỹ nên thu được giá trị kinh tế khá” - ông Quý nói.
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, bắt tay triển khai xây dựng NTM, địa phương đã ban hành các đề án, nghị quyết, quyết định, kế hoạch... chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Đến nay, xã Bình Phú xây dựng NTM nâng cao đúng lộ trình, có nhiều bước phát triển vượt bậc. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Các phong trào thi đua được lan tỏa, tạo khí thế sôi nổi trong toàn huyện, qua đó thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng NTM.
Ở thời điểm này có thể thấy đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thăng Bình có nhiều chuyển biến. Bảo vệ môi trường, sinh thái, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp được triển khai đều khắp các xã. Nhiều mô hình thắp sáng đường quê, tổ tự quản an ninh trật tự được thực hiện, phát huy giá trị.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Kinh tế - xã hội và diện mạo NTM của huyện có được như hôm nay nhờ vào đa dạng nguồn lực, vốn của trung ương, tỉnh, huyện, đóng góp của người dân, nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và cả những người con Thăng Bình xa quê. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng”.
Huyện NTM không xa
Sau khi cả 20 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, huyện Thăng Bình tập trung xây dựng huyện NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu. Định hướng là chú trọng xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, vì lợi ích của người dân.
Ông Phan Công Vỹ cho biết, huyện tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị, nhất là đầu tư các công trình phục vụ dân sinh và sản xuất. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh trên địa bàn.
Thăng Bình củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Từ đó hình thành các điểm du lịch du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Hùng, để duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, huyện yêu cầu các xã trên địa bàn tiếp tục khơi thông tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Các địa phương cần áp dụng đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, nhất là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, giảm nghèo, y tế, giáo dục.
Ông Lê Văn Thôi - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế cho biết, cả hệ thống chính trị của địa phương sẽ bám sát chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, huyện để tiếp tục tổ chức thực hiện.
Xã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa, khơi thông đầu ra gắn với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Địa phương chú trọng cải cách hành chính, quản lý tốt hiện trạng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...