Thanh thiếu niên

Thanh niên Đại Sơn khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi an toàn

BÍCH LIÊN - BÍCH LIỄU 10/09/2024 08:15

Nhiều thanh niên ở xã Đại Sơn (Đại Lộc) đã không ngại khó, chủ động học hỏi, đầu tư giống vật nuôi mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn, mở ra cơ hội lập nghiệp trên đất khó.

dai-son-1(1).jpg
Huyện đoàn Đại Lộc thăm mô hình nuôi dúi của anh Lê Bảo Trung, xã Đại Sơn. Ảnh: B.L

Tận dụng diện tích đất trũng thấp, đất lúa kém hiệu quả của thôn Hội Khách Tây (xã Đại Sơn), anh Lương Văn Hiếu chủ động cải tạo 6 sào đất, đầu tư nuôi ốc bươu đen cho thu nhập khá.

Từ năm 2021, anh Hiếu bắt đầu thả nuôi các lứa ốc bươu đen ở các độ tuổi khác nhau trong các ao nuôi. Mỗi lứa nuôi trong mỗi ao, anh thả cách nhau nửa tháng, kế mí nhằm đảm bảo thời điểm nào cũng có ốc xuất bán cho thị trường.

Năm đầu tiên thả nuôi, do chưa lường được mức độ ảnh hưởng của thiên tai, các ao nuôi ốc bươu đen của anh Hiếu bị mưa lũ cuốn sạch. Rút kinh nghiệm năm trước, anh bắt đầu thả ốc giống vào tháng Giêng và xuất bán hết từ tháng Bảy âm lịch với giá dao động từ 60 - 80 nghìn đồng/kg.

Anh Hiếu cho biết: “Thị trường tiêu thụ ốc bươu đen hiện rất mạnh, chủ yếu cung ứng cho các thương lái, nhà hàng trên địa bàn huyện Đại Lộc và TP.Đà Nẵng. Mỗi năm, từ các lứa ốc thương phẩm xuất bán, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi ròng tầm 150 triệu đồng”.

nuoi dui dai son 2
Đàn dúi của anh Lê Bảo Trung sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: B.L

Trên đất Đại Sơn, mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi giống của anh Lê Bảo Trung (thôn Hội Khách Đông, xã Đại Sơn) cũng thu hút nhiều thanh niên, nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Qua tiếp xúc với nhiều thành viên trong Tổ hợp tác nuôi dúi Đại Lộc, được biết dúi là động vật dễ nuôi, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, có giá trị kinh tế cao, anh Trung quyết tâm lập nghiệp với đối tượng nuôi mới này.

Anh đầu tư chuồng trại, thả nuôi 50 cặp dúi giống (1,5 triệu đồng/cặp) để nuôi thương phẩm. Thời gian đầu mới thả nuôi, do chưa có kinh nghiệm thực tế, dúi nuôi bị chết vì mắc bệnh đường ruột và hô hấp. Anh Trung vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm và chữa trị bệnh cho đàn vật nuôi.

Nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, có thời điểm, anh Trung gầy dựng tổng đàn lên tới gần 200 con dúi. Những con dúi giống sau thời gian chăm sóc khoảng 7 tháng là bắt đầu cho sinh sản.

Bình quân mỗi con dúi sinh sản từ 2 - 4 con, tùy theo số lượng con sẽ tách đàn sớm hay muộn để đảm bảo dúi con khỏe mạnh, phát triển tốt. Dúi giống sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt khoảng 0,5kg/con.

Riêng dúi nuôi thương phẩm sau 8 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con. Hiện nay, dúi nuôi thương phẩm có giá bán khoảng 500 nghìn đồng/kg; dúi bán giống dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/cặp.

Thời gian tới, anh Trung dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại. “Tôi tính mở rộng diện tích chuồng nuôi lên gấp đôi để đẩy mạnh cung ứng dúi giống, bên cạnh dúi thương phẩm. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống, thuốc chữa bệnh cho những bạn trẻ có đam mê nuôi dúi để khởi nghiệp” - anh Trung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh niên Đại Sơn khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO