Những năm gần đây, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ở Quế Sơn có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Khởi nghiệp với mô hình nuôi hươu lấy nhung ở xã Quế Thuận, anh Đinh Đức Phú (SN 1996) đã mở ra hướng đi đầy triển vọng. Theo anh Phú, hươu tương đối dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là bắp, khoai và cỏ.
Hiện anh Phú nuôi 20 con hươu, trung bình mỗi năm, một con hươu trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 1 - 2 lứa nhung (mỗi lứa đạt khoảng 1 - 2kg nhung). Trên thị trường nhung hươu có giá từ 18 - 20 triệu đồng/kg.
Nếu trước đây chủ yếu bán nhung hươu tươi cho khách hàng, thì hiện nay anh Phú chế biến nhiều sản phẩm như rượu nhung hươu, cao nhung hươu, nhung hươu ngâm mật ong, nhung hươu sấy khô…; trong đó, sản phẩm rượu nhung hươu được UBND huyện Quế Sơn công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2024. “Đầu ra của các sản phẩm này tương đối ổn định, nhiều người tìm mua vì những lợi ích mà nhung hươu đem lại cho sức khỏe con người” - anh Phú cho hay.
Còn tại xã Quế Minh, anh Hồ Ngọc Hiệp (SN 1991) chọn khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Năm 2019, anh Hiệp thành lập HTX Nông nghiệp Lạc Sơn và xây dựng nông trại trên diện tích 2ha. Anh đang nuôi 100 con heo rừng lai, 5 nghìn con gà và trồng thêm nhiều loại rau quả.
HTX áp dụng quy trình chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó thực phẩm được cung ứng đến tay người tiêu dùng đạt chuẩn sạch theo định nghĩa không tồn dư kháng sinh, không sử dụng hóa chất, không tồn dư hóc môn tăng trưởng.
Ngoài bán các loại thực phẩm tươi sống ra thị trường Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, HTX Nông nghiệp Lạc Sơn còn phát triển mạnh sản phẩm nem thịt theo hướng chuẩn hóa quy trình và thương mại hóa sản phẩm. Mỗi tháng cơ sở sản xuất hơn 6 nghìn chiếc nem và được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2024, sản phẩm nem Lạc Sơn được UBND huyện Quế Sơn công nhận OCOP 3 sao.
“Từ sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sạch với thương hiệu Lạc Sơn, cơ sở chúng tôi thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động” - anh Hiệp nói.
Theo chị Đỗ Thị Linh Phương - Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp được thanh niên Quế Sơn hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ và gần 70 mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đem lại thu nhập mỗi năm hơn 150 triệu đồng.
“Các mô hình, dự án phát triển kinh tế trong thanh niên chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thương mại dịch vụ. Qua đó đã nâng cao thu nhập cho chính gia đình đoàn viên thanh niên và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đồng thời góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất và tái cơ cấu lao động” - chị Phương nói.