Thay cho các hoạt động quen thuộc như trưng bày thơ, thả thơ, đọc, ngâm vịnh thơ... trong dịp Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 - Nguyên tiêu Ất Tỵ 2025 này, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam tổ chức một cuộc tọa đàm về thơ với chủ đề “Thơ Quảng Nam trong dòng chảy thơ Việt đương đại”.
Chuyển từ “diễn” sang “đàm”
Do không tìm ra được phương thức mới mẻ và hấp dẫn hơn so với khung chương trình do Hội Nhà văn Việt Nam hướng dẫn và gợi ý, nên suốt 5 năm qua Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam đã không thực hiện bất cứ hoạt động nào nhân Ngày thơ Việt Nam vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm. Lần này, trên cơ sở đề xuất của Chi hội Văn học, hoạt động hưởng ứng và chào mừng Ngày thơ Việt Nam được tổ chức trở lại với hình thức hoàn toàn mới.
Thay vì chỉ “trình diễn” thơ, “sân khấu hóa” thơ, trọng tâm của ngày thơ lần này là một cuộc tọa đàm khoa học được chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản, với mục tiêu chính là thảo luận về vấn đề đổi mới trong sáng tạo, tiếp nhận và quảng bá thơ; cùng với đó là nhận diện, định vị thơ ca Quảng Nam trong dòng chảy thơ Việt Nam đương đại.
Theo một lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, trong lúc dư luận xã hội đang có những nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về thơ như hiện nay, việc mở ra diễn đàn như thế này là dịp để những người trong cuộc thảo luận, tranh luận, tự vấn, tự nhìn nhận lại thành quả sáng tạo của mình và để cho các nhà lý luận, phê bình phân tích, bình phẩm là thật sự hữu ích và cần thiết.
Thơ thế nào là hay, thơ thế nào là có đổi mới, có cách tân, làm thế nào để thơ thật sự hòa nhập vào cuộc sống... vẫn là vấn đề thời sự. Do vậy, mở diễn đàn để trao đổi, thảo luận về thơ đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam như lần này là hoạt động thú vị và hợp lý.
Một số tham luận của các tác giả là hội viên Chi hội Văn học Quảng Nam sẽ được trình bày tại tọa đàm, như: “Đất nước trong thơ Quảng Nam” của Nguyễn Thị Thanh Thảo; “Đổi mới thơ ở Quảng Nam” của Nguyễn Chiến; “Vấn đề đổi mới thơ hôm nay” của Phùng Tấn Đông; “Đổi mới diện mạo thơ - Đòi hỏi và thành tựu” của Nguyễn Tấn Ái...
Thành thật với mình, nghiêm túc với thơ
Nhà thơ, nhà lý luận, phê bình Lê Đức Thịnh - Chi hội trưởng Chi hội Văn học và là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế nội dung và trực tiếp điều hành chương trình tọa đàm “Thơ Quảng Nam trong dòng chảy thơ Việt đương đại”.
Nhà thơ Lê Đức Thịnh cho biết, hơn một nửa trong số 8 bài tham luận tại diễn đàn này là bàn về chất lượng, chỗ đứng của thơ Quảng Nam, sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo thơ, những nỗ lực và thành quả bước đầu trong việc cách tân thơ của các nhà thơ là hội viên Hội VHNT Quảng Nam.
Và điều quan trọng là từ gợi ý, “đặt hàng” của ban tổ chức, các tham luận đều được tiếp cận, khai thác, trình bày trực diện, mạnh mẽ và thẳng thắn hơn. Qua đó chỉ ra cụ thể cái được và chưa được, tính đột phá... trong thơ Quảng Nam hiện nay nói chung và của những người làm thơ cụ thể ở Quảng Nam nói riêng.
Tất nhiên, đây là một diễn đàn mở, mọi nhìn nhận, đánh giá đều sẽ được thảo luận, trao đổi, tranh luận trên tinh thần khách quan, để mỗi người đều được trải nghiệm trọn vẹn, cháy hết mình với đam mê, với cảm hứng sáng tạo, thành thật với mình và nghiêm túc với thơ.
Cùng tham gia thiết kế nội dung tọa đàm, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình Nguyễn Tấn Ái cho biết, điều mà anh kỳ vọng và chờ đợi sau những tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng là những cuộc tranh luận thẳng thắn theo đúng kiểu của người Quảng.
Chỉ như thế mới ra không khí tọa đàm, để sau khi diễn đàn khép lại, mỗi người có thể tự nghiệm ra mình cần làm gì, phải làm gì cho chặng đường sáng tạo tiếp theo.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Ái chia sẻ: “Nhận thức có vai trò định hướng cho đổi mới. Người làm thơ cần hiểu về đặc trưng nghệ thuật thơ và nhất là nhận ra nét riêng của mình. Hiểu đặc trưng thì kiến thiết ngôi nhà mới trở nên vững chãi. Hiểu chính mình thì hành trình đổi mới không sợ lạc giọng...”.
Tọa đàm “Thơ Quảng Nam trong dòng chảy thơ Việt đương đại” diễn ra vào sáng 8/2/2025 tại Tam Kỳ, do Thường trực Hội VHNT Quảng Nam chỉ đạo và Ban Điều hành Chi hội Văn học tổ chức thực hiện.
Nội dung chính của tọa đàm là đánh giá về chất lượng và chỗ đứng của thơ Quảng Nam hiện nay trong bối cảnh chung của thơ Việt Nam đương đại, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của thơ Quảng Nam và đề xuất một số hướng tiếp cận, sáng tạo mới. Cùng với đó, bám theo chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025 là “Đất nước bay lên” - do Hội Nhà văn Việt Nam ban hành, cuộc tọa đàm còn trao đổi, thảo luận về cảm hứng, tình yêu và hình ảnh quê hương, đất nước trong thơ Quảng Nam; diễn ngâm một số bài thơ ngợi ca mùa xuân và quê hương của các tác giả là hội viên Hội VHNT Quảng Nam...