Tháo điểm nghẽn liên kết vùng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/08/2019 10:56

Liên tục nhiều năm theo đuổi chủ đề về liên kết vùng trong phát triển miền Trung, chúng tôi nhận thấy nhiều điểm nghẽn vẫn tồn tại như một “căn bệnh” kinh niên. Và tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra ở Bình Định vừa qua, các triệu chứng bệnh lại được chỉ ra như các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương trong vùng có sự trùng lắp; liên kết vùng vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả, nhất là vẫn còn những “bài toán” liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất...

 

Nhiều hạn chế yếu kém khác của các tỉnh miền Trung cũng được nêu lên là chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, thấp so với cả nước.Du lịch được đánh giá rất nhiều tiềm năng trong vùng, nhưng doanh thu từ du lịch chỉ bằng khoảng 18 - 19% cả nước. Đặc biệt, vì liên kết vùng còn yếu, mạnh ai nấy làm, nên còn có sự cạnh tranh lẫn nhau về những lĩnh vực được coi là thế mạnh giống nhau giữa các địa phương trong vùng, từ đó đã tạo ra “lực cản” níu cả khu vực chậm phát triển.

Thực ra những điều nói trên không phải bây giờ mới được nhận diện. Còn nhớ ở các diễn đàn phát triển kinh tế vùng, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rất rõ rằng, các tỉnh miền Trung có tiềm năng lợi thế cơ bản như nhau, lại triển khai phát triển theo hàng ngang, thu hút đầu tư tương tự nhau. Do vậy kéo theo vòng luẩn quẩn: càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư của cả vùng càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh “cùng xuống đáy” giữa các tỉnh lại càng khốc liệt. Bên cạnh đó lại xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng do các tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế. Mặt khác, các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh có cơ cấu ngành, sản phẩm khá giống nhau, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ…

Để chữa “căn bệnh” kinh niên trong phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung phát triển 5 trụ cột kinh tế. Theo đó, ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Phát triển mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo. Phát triển hiệu quả cảng biển và dịch vụ logistics. Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Cũng theo Thủ tướng, để liên kết phát triển vùng cần quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung rõ hơn, có một thể chế thuận lợi để phát triển khu vực, trong đó có việc phân lại vùng cho hợp lý hơn. Đồng thời phải  xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, và tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp. Chúng tôi thiển nghĩ là cần phải nhấn mạnh điểm mấu chốt vừa nói vào việc thu hút những “con sếu đầu đàn” là doanh nghiệp có tiềm lực, quy mô đầu tư lớn làm đầu kéo. Bài học thành công bước đầu của Quảng Nam với vùng đông và Chu Lai là ví dụ sinh động.

Điều muốn đề cập thêm là liên kết vùng sẽ không thành công nếu mỗi tỉnh không định vị đúng chiến lược của mình, ứng xử hài hòa cái tôi trong chúng ta để cùng tiến. Chiến lược biển Việt Nam hướng đến mục tiêu đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó  là một mục tiêu bao trùm cả nước, nhất là với các tỉnh thành ở miền duyên hải, do vậy liên kết là yếu tố sống còn để đưa toàn vùng cùng phát triển đi lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo điểm nghẽn liên kết vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO