Vùng Đông được xác định là vùng động lực phát triển của Quảng Nam. Tuy nhiên, những vướng mắc từ pháp lý, quy hoạch đến cơ chế, chính sách... đang là lực cản.
Cầu Cửa Đại bắt ngang sông Thu Bồn, theo đường 129 liền mạch đến Tam Kỳ năm 2016 đã trở thành lực hấp dẫn các nhà đầu tư. Khu vực Đông Nam bắt đầu lên cơn sốt đầu tư từ đó.
Một hội nghị xúc tiến đầu tư tầm cỡ quốc gia được tổ chức tại Quảng Nam hồi tháng 3.2017 đã kéo không ít nhà đầu tư lớn tham gia, hứa hẹn thời kỳ phát triển mới cho cả nền kinh tế Quảng Nam.
Hiện trên vùng đất rộng lớn phía Đông, dự án hoàn thiện đường Võ Chí Công đã chính thức điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.100 tỷ đồng lên 2.056,76 tỷ đồng, nâng hạng từ nhóm B lên nhóm A, sẽ được đầu tư hoàn chỉnh trong vài năm tới.
Hạ tầng giao thông kết nối Bắc – Nam, Đông – Tây hay các đô thị địa phương đã mọc lên. Diện mạo vùng Đông đã thay đổi bằng những khu đô thị, dân cư mọc lên quanh vùng. Thế nhưng, 5 năm qua, hàng chục dự án lớn nhỏ vì nhiều lý do, vẫn chưa được triển khai xây dựng. Hiện tại chỉ có 2 dự án tầm cỡ ở khu vực này khu phức hợp du lịch Nam Hội An và Vinpearl Land Nam Hội An.
Theo UBND tỉnh, Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng Đông Nam có 113/180 dự án hoạt động. Tổng vốn thực hiện chỉ mới 43,3 nghìn/122,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư.
Ông Ngô Bốn – Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, các dự án vùng Đông Nam chưa đóng góp nhiều về thu ngân sách, chủ yếu sử dụng lao động là chính.
Không ít cuộc họp bàn, đánh giá, rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến các dự án vùng Đông.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, nhiều dự án đầu tư chưa lường hết những rắc rối của các quy định về luật đầu tư, đất đai hay cơ chế, chính sách... nên gặp khó.
“Không loại trừ các nhà đầu tư yếu năng lực tài chính, ngay cả những nhà đầu tư có năng lực thực sự vẫn bị vướng bởi sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, cơ chế thay đổi và thiếu cả sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc triển khai dự án. Không ít dự án bị buộc phải thu hồi khi các quy hoạch doanh nghiệp lập không phù hợp với tiến trình quy hoạch và phát triển vùng Đông” - ông Thử nói.
Theo ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp Quảng Nam, một số dự án đã đăng ký đầu tư hoặc đã quyết định chủ trương đầu tư không thể triển khai đảm bảo tiến độ; dịch bệnh đã hạn chế rất nhiều đến việc đi lại, nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư của các nhà đầu tư.
Thủ tục thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai còn nhiều bất cập. Giải phóng mặt bằng tại một số khu công nghiệp vướng mắc khi thời gian thực hiện kéo dài, chính sách bồi thường thay đổi...
Các nhóm dự án về ô tô, cơ khí đa dụng, các khu công nghiệp công nghệ cao, nhóm cảng biển, logistic, nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông đã và đang triển khai với những nhà đầu tư lớn, có năng lực.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án thành phố thông minh sân bay Chu Lai, khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái tại khu vực phía bắc Khu kinh tế mở Chu Lai.
Liên danh các nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư SSF – Công ty CP Phát triển Sunshine Homes – Truth Assets Management Pte. Ltd đề xuất nghiên cứu dự án khu đô thị công nghệ cao Nam Thăng Bình.
Tập đoàn công nghệ FTP, SunGroup, Novaland, Panko nghiên cứu đầu tư vào các dự án khu đô thị... Đây là cơ hội lớn để tăng tốc phát triển vùng Đông.
Tuy nhiên, để thu hút đầu tư hiệu quả, ngoài nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp, rất cần Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ kịp thời những rào cản về thể chế, cơ chế chính sách.
Theo UBND tỉnh, Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai được điều chỉnh hồi tháng 12.2018 hiện có nhiều bất cập về hệ thống hạ tầng khung, về các phân khu chức năng, về quy hoạch rừng phòng hộ…
Nhiều đề xuất quy hoạch của các nhà đầu tư lớn có tính khả thi và hiệu quả cao nhưng gặp vướng mắc vì không phù hợp quy hoạch hiện hành.
Quảng Nam cũng gặp khó khi không đủ kinh phí giải phóng mặt bằng sạch để đấu giá giao đất, cho thuê đất các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, rất cần Chính phủ thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển (2.000ha) để phù hợp hiện trạng, tháo gỡ khó khăn đầu tư, thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua việc giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực, kết hợp phát triển kinh tế, phòng hộ và tạo mỹ quan đô thị trong tương lai.
Những nút thắt này được tháo gỡ, khu vực vùng Đông Quảng Nam sẽ bùng nổ đầu tư!