Thảo luận dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi): Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý tài chính công
(QNO) - Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Dự thảo luật này nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý tài chính công, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Tham gia thảo luận để hoàn thiện dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam đã góp ý một số nội dung, cụ thể:
Tại khoản 1 Điều 10 dự thảo luật quy định “Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có)”. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa đảm bảo bao quát, vì chi tạo nguồn cải cách tiền lương là khoản chi nằm trong chi cân đối ngân sách địa phương, tuy nhiên, thực tế nguồn cải cách tiền lương được quản lý và sử dụng như nguồn trung ương bổ sung có mục tiêu.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung “chi tạo nguồn cải cách tiền lương” và viết lại như sau: “Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có) và chi tạo nguồn cải cách tiền lương (nếu có)”.
Tại điểm b khoản 4 Điều 58 dự thảo luật quy định “Trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước”. Theo đại biểu, trong thực tế hệ thống biểu mẫu giao dự toán, quyết toán hiện hành chỉ giao chung chỉ tiêu thu xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chi tiết theo các loại thuế mà không chi tiết theo cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển, cảng hàng không,... Đồng thời, hệ thống mục lục ngân sách hiện hành cũng không phân biệt thuế xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền, cảng biển, cảng hàng không.
Do đó, để thuận tiện trong công tác tính toán, xác định số vượt thu, cần quy định số vượt thu thuế xuất nhập khẩu chung trên địa bàn, không phân biệt qua biên giới đất liền, cảng biển, cảng hàng không. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bỏ cụm từ “qua biên giới đất liền” thay thế bằng cụm từ “thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu” và viết lại như sau: “Trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước”.
Tại khoản 1, 2 Điều 31 dự thảo luật, sau khi lập dự toán ngân sách địa phương trình HĐND cùng cấp quyết định hoặc phê chuẩn thì “báo cáo cơ quan hành chính nhà nước”, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ “cơ quan hành chính nhà nước” theo quy định này là cơ quan nào, để thống nhất việc áp dụng pháp luật khi luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.
Tương tự, tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 Điều 59 dự thảo luật, quy định “định kỳ” các cơ quan báo cáo tình hình sử dụng ngân sách nhà nước cho các cơ quan quản lý có liên quan nhưng không quy định rõ định kỳ là hằng tháng, quý hay 6 tháng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định thời gian báo cáo định kỳ tình hình sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo thống nhất.