Các thành phố ven biển Đông Nam Á chìm nhanh nhất

QUỐC HƯNG 26/09/2022 17:05

(QNO) - Một nghiên cứu mới nhất vừa được đăng trên tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy, các thành phố ven biển tại khu vực Đông Nam Á bao gồm TP.Hồ Chí Minh đang chìm nhanh nhất trên toàn cầu do nước biển dâng.

Jakarta xây dựng bức tường không lồ để chống lũ lụt khi nước biển dâng tràn vào đất liền. Ảnh: AP
Jakarta xây dựng bức tường không lồ để chống lũ lụt khi nước biển dâng tràn vào đất liền. Ảnh: AP

Các nhà khoa học khẳng định, biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với sức khỏe và đời sống trên hành tinh. Ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên, băng tan có nguy cơ nhấn chìm nhiều thành phố ven biển trên thế giới, bao gồm Đông Nam Á. 

Bà Cheryl Tay - nghiên cứu sinh tại Trường Môi trường châu Á của NTU thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore và là tác giả của nghiên cứu trên lưu ý rằng, nhiều thành phố ven biển ở châu Á hiện là trung tâm của sự phát triển và đô thị hóa nhanh chóng, thúc đẩy nhu cầu khai thác nước ngầm để đáp ứng nhu cầu lượng nước ngày càng tăng.

Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của Đại học New Mexico, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zürich và Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ - NASA. 

Theo đó, ảnh vệ tinh của 48 thành phố ven biển trên toàn cầu được xử lý từ năm 2014 đến năm 2020 cho thấy tốc độ chìm trung bình là 16,2mm mỗi năm. Một số thành phố có mức sụt lún đất ở mức 43mm một năm.

Ví như, thành phố Jakarta của Indonesia đang chìm với tốc độ 4,4mm mỗi năm và TP.Hồ Chí Minh là 16,2mm.

Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, việc tập trung các công trình cao tầng ở những khu vực có nền móng yếu cũng góp phần làm sụt lún nền đất.

Cùng với lượng mưa cực lớn và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, sụt lún đất có thể dẫn đến lũ lụt thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn cho những nơi dễ bị tổn thương trong vài năm tới. 

"Lũ lụt có thể làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và làm hư hại tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cực đoan, lũ lụt vĩnh viễn có thể ảnh hưởng đến sinh kế bằng cách làm hư hại đất nông nghiệp sản xuất và buộc người dân phải di chuyển khi không thể ở được nơi đó" - bà Cheryl Tay nói. 

Mực nước biển dâng trung bình toàn cầu hiện nay là 3,7mm mỗi năm. 

Như tại Singapore, mực nước biển trung bình đang tăng với tốc độ từ 3mm đến 4mm mỗi năm. Dữ liệu của Cơ quan Khí tượng Singapore cho thấy, mực nước biển ở đây đã tăng 14cm kể từ mức trước năm 1970.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố trên thế giới chịu tổn thương vì mực nước biển dâng. Ảnh: ST
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố trên thế giới chịu tổn thương vì mực nước biển dâng. Ảnh: ST

Theo bà Cheryl Tay, để giải quyết những vấn đề này, các chính phủ có thể xây dựng các hệ thống phòng thủ ven biển như tường chắn biển hoặc sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên như rừng ngập mặn. 

Chính phủ các nước cũng nên giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nếu việc khai thác các nguồn tài nguyên như nước ngầm, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra sụt lún đất cho một thành phố cụ thể, thì cũng cần có các giải pháp phù hợp. 

Bên cạnh đó, các thành phố cần tìm kiếm các nguồn nước khác để thay thế cho việc sử dụng nước ngầm, đồng thời cần có kế hoạch bổ sung nước ngầm để hạn chế tình trạng sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nhà khoa học cho biết, cứ 5 người thì 4 người bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng vào năm 2050 là sống ở phía đông châu Á hoặc Đông Nam Á. Do đó, các thành phố, đặc biệt là khu vực ven biển đang nỗ lực ngăn chặn những thảm họa có thể sẽ xảy ra khi mực nước biển dâng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các thành phố ven biển Đông Nam Á chìm nhanh nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO