Rice là rô bốt thông minh thế hệ mới được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo, có khả năng hoạt động trong môi trường phức tạp và bận rộn. Loại rô bốt này đang trở thành một dịch vụ thân thiện với con người.
Với thân hình là khối màu trắng chắc nịch có thể mở to đôi mắt, rô bốt Rice không chỉ hoạt động trong vai trò như nhân viên phục vụ, giao cà phê cho khách hàng mà có thể cung cấp một loạt dịch vụ tại các địa điểm ở Hồng Kông và Nhật Bản.
Rô bốt Rice giao đồ ăn nhanh tại phòng ở khách sạn Dorsett Wanchai (Hồng Kông). Tại Tokyo, Rice giao đồ ăn nhẹ cho nhân viên tại trụ sở của SoftBank Group từ cửa hàng tiện lợi từ tầng 7 - 11 của tòa nhà.
Viktor Lee - người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty tiên phong trong phát triển rô bốt phục vụ trong nhà hoàn toàn tự động Rice Robotics cho biết: “Được trang bị cảm biến ánh sáng, camera độ sâu và cảm biến siêu âm để tránh chướng ngại vật, Rice có thể tự do di chuyển xung quanh các khách sạn nhiều tầng và trung tâm mua sắm”.
Nhà khởi nghiệp Viktor Lee mô tả Rice là “rô bốt hàng xóm thân thiện của bạn” và hy vọng nó có thể giúp lĩnh vực khách sạn chống lại tình trạng thiếu lao động khi dân số già đi, đồng thời thu hút nhu cầu về các quy trình vệ sinh ngày càng cao sau đại dịch, khi mọi người vẫn lưu ý đến khía cạnh tiếp xúc. Do đó, rô bốt giao hàng Rice sẽ tăng trưởng ổn định trong 5 - 10 năm tới.
Với kiến thức nền tảng về logistics (dịch vụ hậu cần), Lee thành lập Rice Robotics vào năm 2019 để giải quyết thách thức giao hàng tận nơi. Rice cũng là một trong 3 rô bốt đầu tiên do Rice Robotics thiết kế và sản xuất để vận chuyển hàng hóa cũng như có thể được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, hậu cần và khách sạn.
Theo Liên đoàn rô bốt quốc tế, thị trường rô bốt dịch vụ tăng 12% vào năm 2020 so với năm trước đó.
Tổng giám đốc khách sạn Dorsett Wanchai - ông Anita Chan cho biết: “Khách sạn Dorsett Wanchai bắt đầu sử dụng rô bốt Rice vào tháng 6.2021. Đó là một cách tuyệt vời để phục vụ khách và duy trì các tiêu chuẩn dịch vụ của chúng tôi, đồng thời tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống đại dịch bằng dịch vụ không tiếp xúc giữa người với người. Với vẻ ngoài dễ thương, Rice được khách hàng, đặc biệt là các bạn nhỏ yêu thích”.
Ngoài Rice, Rice Robotics phát triển rô bốt Jasmine thực hiện nhiệm vụ khử trùng tại trung tâm mua sắm và giúp việc tại khu cách ly. Jasmine có hệ thống cảm biến với tính năng phát hiện chướng ngại vật, tự động di chuyển và vệ sinh các khu vực khác nhau mà không cần đến sự trợ giúp của con người.
Cạnh đó là Portal - rô bốt có hệ thống liên lạc 2 chiều và camera phát trực tuyến để tuần tra các khu vực công cộng. Ngoài việc giao hàng, Portal có thể hướng dẫn du khách đến các địa điểm như trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị và bệnh viện.
Dù rô bốt Rice không phải là người máy duy nhất trong không gian rô bốt dịch vụ, song các đặc điểm trên khuôn mặt dễ thương của Rice làm tăng thêm sức hấp dẫn của nó. Đó là một phần có chủ ý của thiết kế Rice Robotics nhằm tạo ấn tượng với khách hàng.
Trong một dự án gần đây với dịch vụ bưu chính tại Nhật Bản, một số đơn vị Rice đã được triển khai trong tòa nhà cao tầng để giúp chuyển bưu kiện và thư đến tận nhà của người dân.
Ông Lee nói: “Rô bốt không chiếm công việc của con người, chỉ đóng góp vào sự chuyển động của thế giới. Chúng tôi muốn biến rô bốt trở nên phổ biến như điện thoại thông minh và máy tính xách tay trong tương lai”.