Theo dấu chân Yersin về miền Thượng
Tên tuổi bác sĩ Alexandre Yersin đã quen thuộc với độc giả Việt Nam, khi tên ông được đặt cho nhiều con đường ở khắp các thành phố lớn: Nha Trang, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thủ Dầu Một... Ông là một bác sĩ đa tài, nhà vi khuẩn học lừng danh với công lao phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch hồi cuối thế kỷ 19.

Nhưng có một Yersin khác - một nhà thám hiểm đầy táo bạo với những chuyến đi đặc biệt ở vùng núi giữa Trung Kỳ và Nam Kỳ thời thuộc Pháp. Đó là những chuyến du hành mang tính khai phá và phát hiện ra Tây Nguyên, nhất là cao nguyên Langbian, làm cơ sở để Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thành lập thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt nổi tiếng sau này.
Và với phong cách khoa học của một nhà nghiên cứu, chất lãng mạn của một nhà thám hiểm, Yersin có thói quen ghi chép kỹ lưỡng nhưng đầy cảm xúc về các phát hiện trên những vùng đất ông đi qua.
Năm 2016, NXB độc lập Editions Olizane Thụy Sĩ đã tập hợp các bài viết của Yersin trên nhiều tạp chí và ấn phẩm khác nhau từ năm 1893 đến năm 1943 để in thành cuốn sách dày gần 200 trang “Voyages chez les Moïs d´Indochine”. Bản tiếng Việt “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương” do Cao Hoàng Đoan Thục chuyển dịch, NXB Trẻ ấn hành gần đây.
Phần đầu cuốn sách dành hơn 20 trang để biên tập viên Matthias Huber của NXB Olizane khắc họa bức chân dung phong phú về Alexandre Yersin - một con người độc đáo. Bác sĩ Yersin mồ côi cha lúc còn trong bụng mẹ. Ra đời, với tình thương của mẹ, cậu bé Yersin ham học và học giỏi, ưa khám phá đã chọn nghiên cứu thám hiểm như lẽ sống cho đến tận cuối đời.
Phần hai là những ghi chép chân thực những chuyến đi kỳ thú Yersin đã thực hiện trên rừng núi đông Trường Sơn. Một độ chân thực hiếm có bởi chuyện đi, chuyện viết đều được thực hiện bởi chính Yersin mà không qua lời kể trung gian nào.
Gần 200 trang sách sắp xếp các cuộc thám hiểm theo từng chủ đề riêng biệt dễ hiểu: “Lần đầu tiếp xúc với xứ sở người Thượng ở An Nam”, “Từ Nha Trang đến Stung Treng, đi qua vùng đất người Thượng”, “Bảy tháng ở vùng đất người Thượng”, “Chạm trán với bọn cướp”, “Một tháng ở M’Siao”, “Lần đầu tiếp xúc với cao nguyên Lang-Bian”, “Từ Nha Trang đến Đà Nẵng, đi qua vùng đất người Thượng”.
Cao Hoàng Đoan Thục - người chuyển dịch tác phẩm, hiện là quản lý kiêm hướng dẫn viên Bảo tàng Yersin. Vốn giỏi Pháp văn lại có điều kiện tiếp xúc với nhiều tư liệu gốc, cùng niềm kính ngưỡng đối với bác sĩ Yersin, dịch giả duyên dáng này đã không làm độc giả thất vọng.
Cách cô dùng chữ người Thượng, xứ Thượng từ chữ “chez les Mois” của nguyên bản tiếng Pháp thật khéo và chuẩn. Không riêng Yersin, người Pháp hay người Kinh thời kỳ đó đều gọi đồng bào thiểu số là người Mọi, với hàm nghĩa hoang dã và tách biệt với văn minh. Cao Hoàng Đoan Thục chuyển thành người Thượng, là khéo léo né một chút nhạy cảm.
Trở lại với những trang viết của Yersin, những ghi chép của ông là kho tư liệu quý trên nhiều lĩnh vực. Như cuốn phim tài liệu nhiều tập, bạn đọc có thể ngược về quá khứ hơn trăm năm trước, những làng mạc, phong cảnh, phong tục của đồng bào thiểu số vùng Tây Nguyên như chưa thể rõ ràng chân thực hơn.
Bạn đọc sẽ gặp một Yersin tò mò, can đảm và táo bạo. Những chuyến đi vượt sông leo núi xuyên rừng đầu tiên không người hộ tống, đối mặt với nguy hiểm của thú dữ rừng già, cướp bóc, bệnh truyền nhiễm nhiệt đới… Nhưng kỳ lạ thay, tất thảy đều như chất kích thích khiến ông càng say mê.
Ông đi qua những vùng đất còn chưa có chính quyền, nơi mà các buôn làng đang chìm trong mâu thuẫn nội bộ, bắt nhốt người của nhau. Nhờ tinh thần hòa bình và quyết đoán của mình, không ít lần ông thậm chí còn có thể đứng ra hòa giải, chấm dứt các cuộc xung đột giữa các làng vốn được tiến hành tinh vi bởi những già làng nhỏ bé đầy tham vọng và đố kỵ.
Đọc “Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương”, độc giả còn được chiêm ngưỡng phong cảnh, nhân dạng, trang phục của người Tây Nguyên từ cuối thế kỷ 19 qua những bức ảnh do tự tay Yersin chụp và rửa - những hình ảnh quý giá khi vùng đất này còn chưa tiếp xúc với văn minh phương Tây.
Song song với chuyến du hành ngược thời gian như cổ tích, hẳn bạn đọc cũng ít nhiều cảm thấy tiếc nuối cho Tây Nguyên hiện tại - một Tây Nguyên còn quá ít rừng già và vắng thưa thú rừng hoang dã. Ngay cả điệu cồng chiêng, giờ cũng chỉ thi thoảng vang lên trong lễ hội bảo tàng, như một lẽ thường tang điền thương hải...