Thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu: Người dân cần chấp hành pháp luật

HÀN GIANG 18/01/2024 08:30

Việc thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) đang gặp vướng mắc khi còn 6 hộ dân chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. Tại các văn bản liên quan đều không có quy định hỗ trợ theo nguyện vọng của những trường hợp trồng cây trái phép trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án.

Đại diện chủ đầu tư dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc cho nổ mìn đánh sập các cửa hầm lò khai thác trái phép theo kế hoạch thi công. Ảnh: N.Đ
Đại diện chủ đầu tư dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc cho nổ mìn đánh sập các cửa hầm lò khai thác trái phép theo kế hoạch thi công. Ảnh: N.Đ

Còn 6 hộ chưa bàn giao mặt bằng

Chiều 15/1, ông Trần Quốc Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh chủ trì cuộc làm việc với các hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để lắng nghe nguyện vọng, giải thích rõ những vấn đề các hộ dân còn băn khoăn. Đại diện 4/6 hộ dân tham dự cuộc làm việc.

Theo ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nắm, chấp hành chủ trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Tổng diện tích Nhà nước giao cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu trước đây là 360ha, trong đó diện đất đóng cửa mỏ khoảng 52ha.

Đối với 318ha nằm ngoài diện tích phục hồi đóng cửa mỏ, UBND xã phối hợp với Phòng TN-MT hoàn thành việc đo đạc nhằm phục vụ công tác thu hồi đất và xây dựng phương án quản lý đất tại mỏ vàng Bồng Miêu sau khi hoàn thành dự án.

Trong khu vực đóng cửa mỏ, UBND xã đã tiến hành rà soát, thống kê có 37 hộ dân lấn chiếm đất trồng keo nguyên liệu. Qua làm việc, đến nay có 31/37 hộ thống nhất bàn giao mặt bằng và chặt hạ cây trên đất. Còn 6 hộ không thống nhất bàn giao mặt bằng ở các khu vực bãi Thải, Hố Gần (thôn Bồng Miêu).

“Các hộ này đề nghị được hỗ trợ về kinh phí mua cây giống và công chăm sóc mới bàn giao mặt bằng. Song qua rà soát không có cơ sở để giải quyết nguyện vọng này” - ông Sự nói.

Được biết, UBND xã Tam Lãnh đã làm việc từ 2-3 lần với từng hộ chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. Các cuộc làm việc đều ghi nhận chung nguyện vọng của các hộ là được hỗ trợ về kinh phí mua cây giống, công chăm sóc và sau hoàn thành dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu thì được sử dụng lại thửa đất. Như hộ ông Nguyễn Văn Hoàng đang trồng keo được khoảng 1 năm tuổi trên diện tích 1ha.

Qua làm việc, hộ ông đề nghị hỗ trợ cây trồng trên đất và sau hoàn thành dự án được sử dụng lại thửa đất. Hay hộ ông Lê Công Lý trồng keo đã 2 năm tuổi trên diện tích khoảng 0,4ha. Qua làm việc hộ ông thống nhất bàn giao mặt bằng với điều kiện hỗ trợ cây trồng trên đất.

Tại cuộc làm việc chiều 15/1, đại diện hộ ông Lý cho biết, do không có đất rừng nhiều, nên khi doanh nghiệp phá sản thì bà con vào trồng keo để cải thiện kinh tế. Đến nay đã trồng đến đợt thứ 3 và mong muốn được hỗ trợ cây trồng trên đất, cũng như công chăm sóc.

Không có chi phí giải phóng mặt bằng

Ngày 27/7/1992, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp cấp phép khai thác tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 582. Hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng doanh nghiệp không đủ điều kiện gia hạn theo quy định và đã bị tuyên bố phá sản tại Quyết định số 02 ngày 24/12/2018 của TAND tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi tại cuộc làm việc, theo ông Huỳnh Đức Tin - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phú Ninh, đất đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp, sau khi doanh nghiệp dừng hoạt động thì các hộ lấn chiếm đất để trồng keo nguyên liệu.

Tại Thông báo số 152 ngày 29/4/2022, UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Ninh có trách nhiệm chỉ đạo Phòng TN-MT huyện phối hợp với UBND xã Tam Lãnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - chủ đầu tư dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu kiểm tra thực tế.

Trên cơ sở đó, có văn bản thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân đang lấn chiếm đất, trồng cây tại các khu vực hoàn thổ, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ theo đề án được Bộ TN-MT phê duyệt phải thu dọn, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công kịp tiến độ.

Còn đại diện chủ đầu tư khẳng định, đất đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, sau này các hộ lấn chiếm trồng cây. Vậy nên, dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu không có chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ. Chủ đầu tư không có kinh phí để thực hiện hỗ trợ theo nguyện vọng của các hộ.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cho việc thực hiện đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, theo Thượng tá Trần Văn Đô - Phó Trưởng Công an huyện Phú Ninh, qua nghiên cứu cho thấy, trong công tác bồi thường giải tỏa cho từng dự án, chỉ được phép chi khi có mục chi mới. Nếu chi sai là vi phạm pháp luật và cơ quan điều tra sẽ vào cuộc.

“Dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã thi công được vài tháng, bà con chấp hành chủ trương, thu dọn cây trồng bàn giao mặt bằng đảm bảo cho việc thi công được thuận lợi, đúng tiến độ. Không nên có động thái gì để gây mất an ninh trật tự trong khu vực, đã sai nay không thể tiếp tục làm sai” - ông Đô nói.

Với những ý kiến được nêu ra tại cuộc làm việc, ông Trần Quốc Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, các hộ cần thống nhất nhận thức đất đã được giao cho doanh nghiệp và sau khi doanh nghiệp phá sản, các hộ gia đình vào lấn chiếm trồng keo và nay đề nghị được hỗ trợ là không có cơ sở. Dự án không có nguồn nào để chi hỗ trợ kinh phí mua cây giống, công chăm sóc.

“Dự án đã không có quy định mà vẫn thực hiện hỗ trợ cho các hộ là sai, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Các hộ vì chủ trương chung để dự án đóng cửa mỏ thi công hoàn thành theo đúng tiến độ. Huyện đã chỉ đạo đo đạc xác định hết lại để có số liệu đầu vào; sau này tính toán câu chuyện ứng xử với 318ha đất như thế nào, cho ai thuê, hay cấp lâu dài thì do cấp trên quyết định, cũng vì sinh kế của người dân…” - ông Danh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi công dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu: Người dân cần chấp hành pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO