Quy hoạch - Đầu tư

Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất cơ khí tại Chu Lai: Đường còn xa...

TRỊNH DŨNG 08/04/2024 08:29

Sáng kiến “Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ tại Chu Lai” của Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, nhưng sau 2 năm vẫn chưa thành hiện thực. Các bộ, ngành Trung ương vẫn loay hoay chưa biết sẽ thực hiện như thế nào cho hợp lý.

2.-to-hop-co-khi-thaco-industries-co-quy-mo-hang-dau-viet-nam-voi-tong-von-dau-tu-hon-230-trieu-usd-dien-tich-145.000-m2.jpg
Tổ hợp cơ khí THACO Industries có quy mô hàng đầu Việt Nam. Ảnh: T.D

Cơ sở hiện thực đề án

Ngày 17/12/2022, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Trường Hải công bố thành lập, khánh thành trung tâm cơ khí quy mô hàng đầu Việt Nam tại Chu Lai.

THACO Industries ra đời thể hiện chiến lược phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trở thành ngành sản xuất, kinh doanh chính của THACO, đã vượt qua khỏi khuôn khổ phát triển nội bộ.

Từ một xưởng sản xuất cơ khí chế tạo, THACO đã phát triển lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ thành một tập đoàn công nghiệp.

Industries đã nhận các đơn hàng từ đối tác, khách hàng bên ngoài, bao gồm nhóm sản phẩm ô tô, xe máy cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước như Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhóm các sản phẩm gia công cơ khí cho các đối tác tại các tỉnh miền Trung như Makitech, Doosan, General Electric và các tỉnh phía Nam như TTi, Schindler.

Sản phẩm xuất khẩu sang 15 quốc gia trên thế giới gia tăng về số lượng, giá trị (thị trường lớn và cao cấp như Mỹ (sơ mi rơ moóc), Nhật Bản (xe đẩy hành lý sân bay), Hàn Quốc (linh kiện cơ khí xe chuyên dụng, phụ tùng ô tô), Australia (linh kiện cơ khí cho khai thác mỏ), Thụy Điển (phụ kiện nông nghiệp), Phần Lan (băng chuyền, silo)...

Tháng 8/2023, Industries đã ký biên bàn ghi nhớ (MOU) hợp tác với Cảng Oakland trong việc cung cấp thiết bị phục vụ hạ tầng cảng và sử dụng cảng để nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ và kết nối, hợp tác sản xuất, cung ứng các sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực môi trường, tái chế... với Công ty California Waste Solutions, rộng đường sang thị trường Hoa Kỳ.

Doanh thu Industries năm 2023 gần 8.700 tỷ đồng (xuất khẩu hơn 105 triệu USD). Năm 2024, sẽ nâng cấp các nhà máy hiện hữu, tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động các nhà máy mới tại Chu Lai (kính xe ô tô du lịch cao cấp, linh kiện khung & thân vỏ ô tô, tổ hợp nội thất ô tô du lịch).

4.-gia-cong-khuon-voi-may-phay-giuong-5-truc.jpg
Gia công khuôn với phay giường 5 trục tại THACO. Ảnh: T.D

Dự kiến doanh thu hơn 13.000 tỷ đồng (xuất khẩu 250 triệu USD). Quý II/2024 dự kiến thành lập, vận hành công ty tại Mỹ (bán hàng tại thị trường Bắc Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico), thành lập 2 văn phòng đại diện tại châu Âu và Úc (hỗ trợ khách hàng hiện hữu và phát triển thị trường).

Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng Giám đốc THACO Industries nói, tập đoàn chuyển hướng mạnh ra bên ngoài, cung cấp các giải pháp công nghiệp theo chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu & phát triển sản phẩm - gia công & chế tạo - lắp đặt - chuyển giao vận hành & bảo trì, thông qua các hình thức: tự sản xuất và hợp tác liên kết/ liên doanh với đối tác trong và ngoài nước, sẵn sàng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác để thiết lập một mô hình mới trong sản xuất, kinh doanh cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

THACO đã xác định cơ khí, công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn trong chiến lược phát triển. Con “sếu đầu đàn” này có đủ tiềm lực để dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành hệ sinh thái sản xuất cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, không chỉ riêng Quảng Nam mà cả miền Trung đã đứng ra “nhận lãnh trách nhiệm”.

Tháng 10/2021, chính quyền Quảng Nam và THACO đã cùng mở cuộc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào công cuộc xây dựng mô hình mới về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong chiến lược đầu tư của THACO.

Bao giờ triển khai thí điểm?

Theo nhiều cuộc khảo sát, Quảng Nam có trên 2.000 cơ sở sản xuất, gia công, sửa chữa cơ khí, máy móc nông nghiệp xây dựng..., nhưng có đến 97% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

6.-day-chuyen-lap-rap-thung-xe-tai-1-.jpg
Dây chuyền lắp ráp thùng xe tải tại THACO. Ảnh: T.D

Các cơ sở này hầu hết thiếu vốn, công nghệ, yếu liên kết, thiếu sản phẩm chủ lực, không đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính quyền Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào cơ khí, công nghiệp hỗ trợ để trở thành ngành kinh tế chủ lực, nhưng vẫn không thể thu hút được doanh nghiệp.

“Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác sản xuất theo cụm, ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ (CNCK&CNHT) trợ tại Chu Lai” - một trong 11 cơ chế, đề án Quảng Nam trình đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Các bộ, ngành Trung ương xác nhận thiếu chính sách đồng bộ, thiếu doanh nghiệp đầu đàn thực thi các ý tưởng đã khiến ngành công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển dù đã được đề ra từ nhiều năm qua.

Tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã xuất hiện cụm liên kết doanh nghiệp của THACO Industries với hơn 20 công ty con đang sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ cho ngành ô tô và cho các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Cụm các doanh nghiệp này cung cấp đa dạng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng công nghiệp chế tạo. Cụm liên kết CNCK&CNHT với THACO Industries là công ty đầu chuỗi này có thể trở thành mô hình thí điểm để từ đó Chính phủ nhân rộng trên cả nước.

Đây là tiền đề để Quảng Nam xây dựng chiến lược và mục tiêu phát triển CNCK&CNHT của địa phương trong tương lai đã định hình trong quy hoạch vừa được công bố.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Quảng Nam đã hoàn tất đề cương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (11/2022). Nhiều cuộc họp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương được tổ chức, nhưng hồ sơ của Quảng Nam vẫn đang chuyển qua lại giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&ĐT, không bộ nào chịu trách nhiệm phê duyệt đề cương đề án... vì không đủ thẩm quyền.

3.-tong-quan-trong-nha-may-khuon.jpg
Nhà máy sản xuất khuôn tại THACO. Ảnh: T.D

Các cuộc họp bàn này đã chỉ ra cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách này còn rất hạn chế.

Các bộ, ngành sẽ có đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Từ những nhận định trên, cơ chế thí điểm cho một địa phương hay một lĩnh vực trong khu kinh tế rất khó để đề xuất.

Cụm liên kết ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất ô tô và cơ khí đa dụng hiện nay mới chỉ nêu ra chủ trương, định hướng cho từng vùng, chưa có tiêu chí hay quy hoạch ngành, phạm vi cụ thể.

Vì vậy, việc thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách hình thành đề án “Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất theo cụm ngành CNCK&CNHT tại Khu kinh tế mở Chu Lai”, các bộ, ngành Trung ương còn phân vân, chưa biết hỗ trợ, xử lý theo hướng nào.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay việc thành lập cụm liên kết CNCK&CNHT với cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy hình thành, phát huy hiệu quả ở tầm quốc gia, đạt được mục tiêu đề ra là nội dung rất mới, liên quan nhiều bộ ngành và chưa có tiền lệ, phải làm thí điểm.

Đây là sáng kiến của Quảng Nam, nhưng UBND tỉnh đã gặp nhiều khó khăn khi lập đề án, vướng mắc kéo dài. Hiện nay, 2 bộ (Công Thương và KH&ĐT) đang tham mưu Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đưa việc thực hiện đề án này vào chương trình công tác năm 2024, nên địa phương phải chờ.

“Quảng Nam đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng đề án này, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ, phù hợp với nội dung dự thảo Luật Phát triển công nghiệp (Bộ Công Thương đang chủ trì). UBND tỉnh Quảng Nam và THACO sẽ phối hợp thực hiện” - ông Bửu nói

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất cơ khí tại Chu Lai: Đường còn xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO