Nhà đất

Thi hành Luật Đất đai 2024:Kỳ vọng khơi thông nguồn lực - Bài 3: Khi đất nông nghiệp được “cởi trói”

PHÚ THẠNH 09/08/2024 08:05

“Người có đất nông nghiệp, thu nhập từ nông nghiệp là chủ yếu mà đất có cảnh quan đẹp, muốn kết hợp làm du lịch để tạo điểm check-in, tham quan, thêm dịch vụ lưu trú, ở lại ăn uống thì vẫn được”- ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TT-MT khẳng định với báo chí khi giới thiệu Luật Đất đai 2024.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-6-13-143705-_z4380820108106_b0d06.jpg
Theo Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp có thể sử dụng kết hợp sản xuất với kinh doanh du lịch, thương mại. Trong ảnh: Một mô hình du lịch sinh thái ở Duy Xuyên. Ảnh: KDL

Đa mục tiêu

Thời gian gần đây có vài người ở xa về quê tôi mua gom đất lúa của dân. Tất nhiên là mua bán bằng giấy viết tay, không hợp pháp vì Luật Đất đai 2013 không cho phép.

Mục đích mua gom đất để làm gì chưa rõ, nhưng có thể nói, đây là sự nhạy bén, đón đầu những thay đổi trong chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước. Bởi, từ ngày 1/8/2024, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa, theo Điều 45, Luật Đất đai 2024.

Sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đa dạng, đa mục tiêu nhằm tối ưu hóa các giá trị kinh tế từ quỹ đất trong nền kinh tế thị trường là đột phá lớn về chủ trương của Đảng khi định hướng xây dựng luật đất đai mới. Và đã được thể chế hóa bằng những quy định cụ thể trong luật 2024. Có thể tóm lược một số điểm chính:

Ngoài cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất lúa nêu trên (trong hạn mức, trường hợp vượt hạn mức phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất); Luật Đất đai 2024 tăng thời hạn cho thuê đất 5% (đất công ích do UBND cấp xã quản lý - PV) từ 5 năm (theo luật cũ) lên 10 năm, mở biên độ nhận chuyển nhượng đất của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (trước đây chỉ 10 lần), nhằm tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất để sản xuất lớn và đầu tư dài hạn.

Luật Đất đai 2024 cũng mở cơ hội hình thành các khu công nghiệp chuyên sản xuất nông nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bỏ vốn triển khai dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản tập trung; rồi cho thuê lại hoặc trực tiếp sản xuất, tương tự chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hiện nay.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-12-7-152666-_tnb-61960.jpg
Nhiều năm qua, trên các đồng đất xứ Quảng, tình trạng bỏ hoang đất sản xuất ngày càng gia tăng. Ảnh: V.P

Đặc biệt, ngoài mục đính chính là trồng trọt, đất nông nghiệp sẽ được sử dụng linh hoạt hơn với nhiều mục tiêu: (1) Xây dựng nhà kính và các loại nhà khác để trồng trọt, chăn nuôi; (2) xây nhà nghỉ, lán, trại phục vụ cho người lao động; (3) xây dựng công trình bảo quản nông sản, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác; (4) kết hợp sản xuất với kinh doanh du lịch, thương mại (trên đất nông nghiệp có thể xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, kinh doanh ăn uống, khu vui chơi, tham quan);...

Chủ một doanh nghiệp sắp khởi công dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên đất nông nghiệp ở Duy Xuyên chia sẻ với chúng tôi, đã mất nhiều thời gian và vướng mắc trong quá trình làm thủ tục theo luật cũ, “nhưng với Luật Đất đai 2024, chắc chắn thuận lợi hơn nhiều”- ông khẳng định.

Những cảnh báo cần thiết

Quảng Nam là một trong các địa phương rất hạn hẹp về đất nông nghiệp (nếu loại trừ đất lâm nghiệp); tổng diện tích đất trồng cây hàng năm chỉ khoảng 100 nghìn héc ta, trong đó mỗi vụ nông dân toàn tỉnh gieo sạ hơn 40 nghìn héc ta lúa nước; thêm khoảng gần 90 nghìn héc ta đất trồng câu lâu năm.

tnb-46919.jpg
Với luật đất đai mới, sẽ dễ dàng hơn với các dự án liên kết hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Ảnh: T.S

Đất đai manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp là thực tế nhiều năm qua trên các đồng đất xứ Quảng. Vì thế, tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, kể cả ở những vùng “bờ xôi, ruộng mật” qua mỗi vụ mùa ngày càng gia tăng.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, nông nghiệp dược liệu.

Những quy định thoáng mở của Luật Đất đai 2024 sẽ là cơ hội rất thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi một cách căn bản từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Với luật đất đai mới, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chắc chắn sẽ dễ dàng hơn với các dự án sản xuất nông nghiệp hiện đại, hay liên kết hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; các hộ dân có đất nông nghiệp, nhưng thiếu lao động, ít vốn có thể “nhường” đất, kể cả đất lúa cho người khác biết cách làm ăn hiệu quả hơn; những người trẻ, nhất là các chủ thể khởi nghiệp có tư duy kinh tế, năng lực quản trị và đang khao khát vươn lên làm giàu sẽ có thêm nhiều cơ hội, nhất là xây dựng các khu sản xuất kết hợp với kinh doanh du lịch, dịch vụ;...

Tuy nhiên, một khi không quá giàu có về quỹ đất, các ngành chức năng, các địa phương và mỗi hộ nông dân càng nên cân nhắc, tính toán kỹ để tối ưu hóa lợi ích từ mỗi thửa đất, mỗi vùng đất.

Ở Quảng Nam những năm qua, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất nông nghiệp khá thuận lợi, dù tổng giá trị bồi thường cộng thêm các khoản hỗ trợ mỗi sào đất chỉ khoảng 100 triệu đồng.

Người dân sẵn sàng chấp nhận, thậm chí rất phấn khởi khi được thu hồi đất, do giá trị kinh tế thu từ sản xuất quá thấp. Cũng vì vậy, việc thu gom đất nông nghiệp của một số cá nhân xuất hiện rải rác ở các địa phương gần đây là điều cần chú ý; trong đó, không loại trừ hiện tượng đầu cơ để thu lợi khi Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo bảng giá đất mới (dự kiến tăng cao), cộng thêm nhiều quyền lợi khác (kể cả được bồi thường bằng đất ở, nhà ở). Lúc đó, những hộ dân đã lỡ sang nhượng đất, chắc chắc sẽ ngậm ngùi,..

Kiểm soát chặt quá trình sử dụng đất là điểm thứ hai mà những người sử dụng đất, nhất là bà con nông dân cần lưu ý. Theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi quyền sử dụng đất đối với đất trồng cây hằng năm nếu bỏ hoang quá 12 tháng và sau khi đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không đưa đất vào sản xuất, tương tự với đất trồng cây lâu năm là 18 tháng và đất lâm nghiệp là 24 tháng.

Tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp phổ biến và ngày càng gia tăng thời gian qua ở nhiều địa phương trong tỉnh là rất đáng báo động. Không nắm vững luật, cộng với sự chuẩn bị “phương án ứng phó”, tâm lý chủ quan lâu nay, sẽ có lúc, bà con nông dân “ngỡ ngàng” khi bỗng dưng bị xử phạt hay bị thu hồi đất.

Với các doanh nghiệp, nhất là các bạn trẻ là chủ thể khởi nghiệp có mộng làm giàu từ đất nông nghiệp, không phải mọi việc đều thuận lợi. Đầu tư trên đất nông nghiệp (cả sản xuất và kinh doanh dịch vụ, du lịch) bên cạnh cần nguồn vốn lớn, là năng lực quản trị, chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Nhà nước cũng cần kiểm soát, thẩm định chặt chẽ các phương án kinh doanh nhằm hạn chế tối đa các “phi vụ đầu cơ” với mục đích tranh thủ sự thoáng mở của pháp luật đất đai.

-----------------------
Bài cuối: Áp dụng pháp luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi hành Luật Đất đai 2024: Kỳ vọng khơi thông nguồn lực - Bài 3: Khi đất nông nghiệp được “cởi trói”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO