Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới hôm nay 4/1/2025 diễn biến tương đối trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, thị trường năng lượng phủ đầy sắc xanh khi cả 5 mặt hàng đều tăng giá. Đáng chú ý nhất là hai loại dầu thô, đồng loạt bật tăng mạnh sau những tuyên bố cứng rắn từ Tổng thống Donald Trump nhằm vào Nga và Iran.
Giá dầu Brent tăng 1,51% lên 74,74 USD/thùng, còn dầu WTI vọt 3,06% lên 71,48 USD/thùng – mức tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay đối với dầu WTI. Cả hai mặt hàng đều đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Tổng thống Trump đã phát đi những thông điệp cứng rắn trong cuối tuần qua. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News, ông chỉ trích các phát ngôn của Tổng thống Nga Putin về Ukraine, đồng thời cảnh báo có thể áp mức thuế thứ cấp từ 25% đến 50% với các nước nhập khẩu dầu từ Nga. Dù vậy, ông vẫn khẳng định mối quan hệ tốt với ông Putin và hy vọng vào tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Với Iran, lập trường của ông Trump càng quyết liệt hơn. Ông không loại trừ khả năng Mỹ sẽ dùng vũ lực nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân, khiến tình hình Trung Đông thêm căng thẳng. Trước đó, Mỹ cũng đã công bố gói trừng phạt mới nhắm vào Iran, trong đó có nhiều thực thể từ Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất từ Iran.
Không chỉ Iran, Trung Quốc còn là khách hàng lớn của dầu thô Venezuela. Nhưng họ và nhiều đối tác khác sẽ phải tìm nguồn cung mới sau khi Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu dầu với các công ty liên doanh cùng PDVSA – tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng gồm Repsol (Tây Ban Nha), Eni (Ý), Maurel & Prom (Pháp), Reliance Industries (Ấn Độ) và Global Oil Terminals (Mỹ).
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và sản lượng dầu tại Mỹ sụt giảm cũng góp phần đẩy giá dầu lên cao. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm. Đồng thời, chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc vượt kỳ vọng cho thấy kinh tế nước này đang phục hồi, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng theo.
Ở chiều ngược lại, thị trường kim loại chứng kiến lực bán chiếm ưu thế trong phiên 31/3. Ngoại trừ giá bạch kim tăng mạnh, hầu hết các kim loại cơ bản còn lại đều giảm do lo ngại nhu cầu tiêu thụ sẽ yếu đi.
Giá bạc giảm nhẹ 0,58%, còn 34,61 USD/ounce nhưng vẫn cao hơn 17% so với đầu năm. Bạch kim bật tăng 3,27%, lên 1.009 USD/ounce, tăng 11% so với tháng 1. Sự tăng giá của bạch kim diễn ra trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế của Mỹ đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu, dự kiến áp dụng từ ngày 3/4. Điều này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá xe tăng mạnh trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, Mỹ đã áp thêm thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu, đồng thời cảnh báo sẽ mở rộng sang đồng – những kim loại thiết yếu trong sản xuất ô tô. Việc tăng thuế sẽ khiến chi phí sản xuất tại Mỹ tăng cao, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giảm 1,87% còn 11.098 USD/tấn, trong khi quặng sắt cũng mất 1,21%, về mức 100,99 USD/tấn. Áp lực đối với đồng càng lớn khi BNP Paribas cảnh báo giá có thể giảm xuống 8.500 USD/tấn vào cuối quý II do nhu cầu suy yếu. Ngân hàng này cũng hạ dự báo tăng trưởng tiêu thụ đồng toàn cầu năm 2025 từ 3,1% xuống còn 2,3% và nâng dự báo thặng dư nguồn cung lên 460.000 tấn.