Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên Quảng Nam tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên. Vì vậy, việc chuẩn bị cho kỳ thi được ngành GD-ĐT rất quan tâm.
Nhiều băn khoăn
Sở GD-ĐT cuối tuần qua đã tổ chức hội nghị chuyên đề công tác thi năm học 2024 - 2025. Có đến 8 cuộc thi, kỳ thi trong năm nhưng lãnh đạo các phòng GD-ĐT, trường THPT quan tâm thảo luận nhiều nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên.
Điều này không có gì ngạc nhiên bởi đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm (kể từ năm học 2012 - 2013), Quảng Nam tổ chức thi tuyển (thay vì xét tuyển).
Bên cạnh thi tuyển 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh kết hợp với xét tuyển (kết quả học tập và rèn luyện 4 năm học THCS), một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm là câu chuyện phân tuyến tuyển sinh.
Thầy giáo Lê Minh Thơ - Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ) bày tỏ tâm tư phân tuyến tuyển sinh theo địa phương như quy định mới (phân tuyến theo cấp huyện, thị xã, thành phố thay vì phân tuyến theo khu vực nhỏ hơn như vừa qua) sẽ tạo ra khó khăn, chất lượng tuyển sinh thấp đối với một số trường THPT như Duy Tân, Thái Phiên (Thăng Bình), Trần Hưng Đạo (Hội An) bởi nguy cơ số học sinh (HS) giỏi sẽ đổ dồn về trường có điều kiện tốt hơn.
Theo đại diện Phòng GD-ĐT Núi Thành, phương án nguyện vọng 1 bắt buộc HS địa phương nào đăng ký tuyển sinh địa phương đó, trong khi lâu nay phần lớn HS Trường THCS Phan Bá Phiến (Tam Tiến) và THCS Lý Thường Kiệt (Tam Xuân 1) của huyện Núi Thành đăng ký tuyển sinh vào Trường THPT Duy Tân và Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Vì vậy, đề nghị sở sớm có văn bản quy định rõ vùng tuyển sinh để phụ huynh, HS biết và an tâm chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh.
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nữa liên quan đến đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi. Thực tế đã có nhiều sai sót xảy ra ở kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua của một số địa phương trên cả nước dẫn đến nhiều cá nhân bị kỷ luật (tỉnh Đắk Lắk có đến gần 2 nghìn bài thi bị điểm liệt, điểm chuẩn quá thấp (chỉ 5 điểm cho 3 môn thi) nhưng tuyển sinh vẫn thiếu 700 chỉ tiêu; còn tỉnh Thái Bình có gần 3 nghìn bài thi lệch phách, làm sai điểm khiến hàng trăm thí sinh từ đỗ thành trượt và ngược lại).
Theo đó, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) đề nghị cần nghiên cứu kỹ để xây dựng cấu trúc đề thi phù hợp; đồng thời, quy định điểm liệt phải tính toán ở mức thấp nhất nhằm tránh lặp lại tình trạng như một số địa phương vướng phải. Một số ý kiến đề nghị thống nhất tổ chức kỳ thi “3 trong 1”, vừa chuyên và phổ thông DTNT, vừa tuyển sinh lớp 10 không chuyên.
Theo phương án, HS dự thi 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Điểm xét trúng tuyển là tổng điểm 3 môn thi và điểm xét kết quả hạnh kiểm và học tập trong 4 năm học ở cấp THCS. Chỉ xét trúng tuyển đối với HS dự thi đủ 3 bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0. HS được đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 trường THPT khác nhau. Trong đó, nguyện vọng 1 (bắt buộc) đăng ký dự tuyển vào một trường THPT cùng địa bàn cấp huyện với trường THCS nơi HS tốt nghiệp THCS; nguyện vọng 2 là đăng ký vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh.
Chuẩn bị chu đáo
Ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) khẳng định sẽ có một kỳ thi duy nhất cho 3 loại hình chuyên, nội trú dân tộc và công lập đại trà.
Liên quan đến phân tuyến, ông Khôi cho rằng vấn đề cốt lõi trong phương án tuyển sinh 10 là bỏ phân tuyến trong từng huyện, thị xã, thành phố; còn vùng giáp ranh tuyển sinh là thôn/khối phố nơi HS thường trú, có khoảng cách tối đa đến trường THPT khác địa phương bằng 1/2 so với trường THPT cùng địa phương gần nhất. Về đăng ký nguyện vọng, ông Khôi cho biết sở đề xuất cách thức thí sinh đăng ký đồng thời 2 nguyện vọng.
Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 của các thí sinh đăng ký cùng trường sẽ được xét trúng tuyển cùng nhau, trong đó điểm xét trúng tuyển của nguyện vọng 2 phải cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 ít nhất là 2 điểm.
Còn một cách thức nữa là thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng 1. Sau khi có kết quả trúng tuyển đợt 1, nếu thí sinh không trúng tuyển thì được đăng ký nguyện vọng 2 vào một trường THPT bất kỳ trên địa bàn tỉnh còn chỉ tiêu.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.
Để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chính xác, trung thực, khách quan, công bằng và chất lượng, Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền để giáo viên, HS, phụ huynh và xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai.
Về phía ngành, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi, trong đó xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm học 2025 - 2026, đảm bảo đúng các quy định về công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; xây dựng đề thi đảm bảo phù hợp, chất lượng.
“Công tác thi là hoạt động quan trọng nhất nhưng cũng rủi ro nhất đối với những người làm giáo dục, thực tế một số địa phương trên cả nước mắc phải sai sót, làm mất niềm tin trong phụ huynh, nhân dân. Tổ chức thi huy động cả lực lượng lớn, với sự phối hợp nhiều ngành để làm.
Thời gian qua Quảng Nam không có sai sót lớn, nhưng vẫn có một số vi phạm cá nhân. Lần đầu tiên tổ chức thi lớp 10 là một thách thức đối với ngành đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thật kỹ, chu đáo. Tổ chức kỳ thi tốt sẽ góp phần tạo động lực dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục” - ông Tường chia sẻ.