(VHQN) - Những con người thiết tha yêu biển, yêu nghề làm biển và hiểu biết sâu rộng về làng chài truyền thống của quê hương mình, có lẽ, nên được ghi nhận và tôn trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước...
Chứng nhân làng chài
Thuở niên thiếu, ông Huỳnh Văn Mười ở làng chài Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đã theo cha ra khơi, lênh đênh biển cả. Gia đình ông có truyền thống mười đời làm nghề biển, vừa đánh bắt vừa chế biến hải sản với thời gian trên dưới 250 năm. Người đàn ông này thiết tha yêu biển, yêu nghề làm biển.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, gia đình ông và người dân làng chài quê mình phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng, có tính chất sống còn.
Chủ trương đô thị hóa tràn đến và diễn ra mạnh mẽ, dữ dội. Song hành với chủ trương này là yêu cầu hạn chế khai thác thủy hải sản gần bờ từ chính quyền. Ngư dân hiện đại cần phải đầu tư đóng tàu to thuyền lớn ra khơi đánh bắt xa bờ.
Nghe thì dễ mà làm thì chẳng dễ chút nào. Đặc điểm của cư dân làng biển tay làm hàm nhai, ráo mồ hôi là đứt bữa, nguồn lực ở đâu đóng tàu to thuyền lớn?
Và để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cũng như chủ trương đầu tư đánh bắt xa bờ, chính quyền địa phương vận động ngư dân làng chài tiến hành “xả bản”. Xả bản nói nôm na là dùng máy cưa để xẻ chiếc thuyền truyền thống ra làm nhiều mảnh rồi đem làm củi đốt hoặc vứt bỏ.
Năm 2016, làng chài Mân Thái của ông Mười có hàng trăm chiếc ghe thuyền bị xả bản. Những lão ngư như ông Mười không kìm được nước mắt.
Tất nhiên khi chấp nhận xả bản, mỗi chiếc ghe thuyền như vậy được chính quyền hỗ trợ một khoản tiền trên dưới 20 triệu đồng để gọi là làm vốn chuyển đổi ngành nghề. Nhưng thực tế, chuyển đổi ngành nghề cho người dân làng chài gặp vô cùng khó khăn, bởi đâu dễ tìm việc cho họ.
Bám làng, bám biển
Vẫn ở nguyên làng chài Mân Thái, ông Mười quay về làm mắm. Nghề làm nước nắm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Ông Mười kiên định cách làm nước mắm nguyên chất theo quy định nghiêm ngặt từ gia đình và làng nghề trăm năm của mình.
Công thức làm nước mắm của ông là cá cơm than thật tươi, muối thật sạch, tỷ lệ 3 cá 1 muối; thời gian ướp phải đủ một năm; chum ướp làm bằng sành chứ tuyệt đối không làm bằng xi măng hoặc bằng can nhựa...
Với ông Mười, cái quan trọng nhất là danh dự, là lương tâm nghề nghiệp, là cốt cách ngư phủ đã nằm lòng bao đời. Văn hóa, hay cốt cách con người là cái chốt chặn cuối cùng để không bước qua ranh giới giữa thiện và ác, đẹp và xấu.
Sợ một ngày cháu con sẽ quên đi quá khứ, quên cội nguồn, quên truyền thống lịch sử của quê hương, ông Mười dành rất nhiều công sức để sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, tư liệu, hình ảnh có liên quan trực tiếp đến nghề làm biển.
Ngôi nhà của ông như một nhà truyền thống ở làng chài Mân Thái. Đến đây, ta sẽ gặp chiếc thúng rái, chiếc ghe nan, chiếc thuyền ván, cái dầm, cái chèo, mành lưới gai, lưới cước... cả cái chum, cái ảng, cái tỉn, cái rổ, cái rá để làm mắm, các tài liệu, giấy tờ để tùy nghi tiện dụng trong quá hình hành nghề làm biển.
Là người trong cuộc, cả đời gắn bó và trải nghiệm cùng nghề biển, những gì ông Mười trưng bày hiện tại luôn đảm bảo tính chân thực, cụ thể, sinh động.
Từ bao đời nay, người dân Việt coi biển là không gian sống, không gian sinh tồn, là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những thước phim về biển đảo, những chứng nhân như ông Mười trở thành “biểu tượng” điện ảnh của không gian làng biển, là mạch kết nối để chuyện kể về biển sống động trong từng khuôn hình.
Không khó hiểu khi những người đàn ông muôn đời bám biển với làng chài, trở thành hình ảnh dẫn chuyện của những thước phim về biển cả.
Tình biển, ở đó thiết tha!