Văn hóa

Thiếu trùng tu sau khai quật ở các di tích Champa

NGUYỄN VĂN THỌ 10/11/2024 09:15

Khảo cổ học thường đi trước một bước trong hoạt động bảo tồn các phế tích kiến trúc khảo cổ học Champa. Nhưng nhiều di tích chỉ dừng ở bước khảo cổ mà thiếu hoạt động trùng tu, dẫn đến việc xuống cấp trầm trọng.

Ảnh 4. Gạch bị mũn ở Thành Nam, di tích Trà Kiệu, Quảng Nam. Ảnh Văn Thọ
Gạch bị mủn ở thành nam, di tích Trà Kiệu. Ảnh: VĂN THỌ

Hầu hết di tích Champa còn tồn tại đều ở dạng các phế tích kiến trúc khảo cổ học. Việc bảo tồn và gìn giữ các di tích này thường gắn liền với công tác khảo cổ.

Khảo cổ là bước đi cần thiết

Từ đầu thế kỷ 20, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã tiến hành nhiều đợt khảo cổ, tư liệu hóa hầu hết di tích qua các bản vẽ, ảnh chụp, bản đồ về di tích Champa ngay khi phát hiện. Nhờ vậy, nhiều hình ảnh, bản vẽ trở thành những di sản tư liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di tích Champa sau khi bị tàn phá qua thời gian và chiến tranh.

Sau giải phóng, nhiều đợt khai quật diễn ra nhằm phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn di tích Champa. Nhiều di tích khai quật để nhận biết phạm vi, khu vực được bảo vệ và bảo tồn, nhận diện được giá trị.

Nhiều di tích Champa đã được đưa vào danh mục di sản ở nhiều cấp khác nhau, hiện vật giá trị được trưng bày và giới thiệu ra công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động khảo cổ học, nhiều di tích Champa lại không đi liền với hoạt động trùng tu sau khai quật.

ảnh 2. Tháp Bắc, di tích Hoà Lai, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Văn thọ
Tháp Bắc, di tích Hòa Lai, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VĂN THỌ

Từ đầu thế kỷ 20, các cuộc khai quật được chủ trì bởi các học giả Pháp (EFEO) mà sau này được cho là “khảo cổ học nghệ thuật” đã diễn ra trên quy mô lớn ở nhiều di tích như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chánh Lộ hay Trà Kiệu. Nhưng hoạt động bảo tồn và trùng tu sau đó chỉ thực hiện ở vài công trình đơn lẻ ở Mỹ Sơn.

Tình trạng khai quật không đi liền với trùng tu cũng diễn ra hiện nay ở nhiều di tích/phế tích được khai quật bởi các nhà khảo cổ trong nước sau năm 1975 với chủ yếu là sử dụng biện pháp bảo quản tạm thời sau khai quật.

Ông Danve D. Sandu, Trợ lý giám đốc, Chuyên gia bảo tồn thuộc Cơ quan Khảo sát khảo cổ Ấn Độ (ASI) cho rằng, khai quật phải đi liền với bảo quản và trùng tu. Ở Ấn Độ, khai quật và trùng tu cùng một cơ quan. Nếu chỉ khai quật mà thiếu bảo quản, trùng tu thì di tích rất dễ bị hư hại...

Bảo quản tạm thời là chưa đủ

Ở Quảng Nam, di tích Dương Bi vẫn chưa có giải pháp bảo tồn nào sau 5 năm khai quật. Năm 2018, nhà chùa đã làm lộ một phần dấu vết tháp Dương Bi.

Ảnh 3 Đền F1, di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam, Ảnh Văn Thọ
Đền F1, di tích Mỹ Sơn.

Để nghiên cứu làm rõ cấu trúc mặt bằng, tính chất niên đại và bước đầu đánh giá giá trị tháp Dương Bi, năm 2019, di tích đã được khai quật khẩn cấp. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có hoạt động bảo tồn và trùng tu nào. Hiện di tích bị xâm thực bởi thực vật.

Các hoa văn đặc trưng mang phong cách nghệ thuật Đồng Dương còn rất sắc sảo sau khai quật đến nay đã bị rêu, địa y và cây cỏ bao phủ. Các lớp gạch trên cùng của di tích dần mất liên kết và rơi vãi khỏi tường tháp.

Một trường hợp khác cách Dương Bi khoảng 2km là đoạn tường thành nam thuộc di tích Trà Kiệu. Một trong những kiến trúc thành trì sớm nhất của Champa có niên đại thế kỷ 4, được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2013.

Đoạn tường thành này được khai quật vào năm 1990 và năm 2003 đã làm lộ kết cấu tường. Nhằm phát huy di tích Trà Kiệu, một mái nhà tôn xây dựng che đoạn tường được khai quật ra để du khách cộng đồng tham quan năm 2022.

Ảnh 1. Khai quật di tích Dương Bi, huyện Duy Xuyên, Quảng nam. Nguồn Phòng VHTT huyện Duy Xuyên
Khai quật di tích Dương Bi, huyện Duy Xuyên. Nguồn Phòng VHTT huyện Duy Xuyên

Điều đáng báo động hiện nay là gạch bị hoàn thổ và biến dạng rất nhanh do thiếu hoạt động bảo quản vật liệu gạch cổ này. Những viên gạch có niên đại khoảng từ thế kỷ thứ 4 đang ở trong môi trường yếm khí, bao phủ lớp đất sét dày nhưng khi phát lộ khai quật, khi gạch tiếp xúc với môi trường bên ngoài đã bị mủn đi rất nhanh.

Tại Mỹ Sơn, nhóm tháp F được khai quật năm 2002. Cuộc khai quật đã làm lộ mặt bằng, lối đi từ đền F1 sang cổng F2, nhiều hiện vật thuộc thành phần kiến trúc đền F1, F2 và đài thờ F1. Đáng chú ý phần chân đền F1 với nhiều hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật Hòa Lai đã được lộ ra.

Sau đó, Ban Quản lý Mỹ Sơn đã xây dựng nhà che bằng sắt và tôn. Mái che trong trường hợp đền F1 là rất cần thiết khi đang chờ phương án trùng tu do kết cấu phần chân móng của đền F1 được xây dựng với kỹ thuật sử dụng đất nhồi trong lõi tường ở phần chân tường. Tuy nhiên, di tích chờ đợi đã 20 năm mà vẫn chưa được trùng tu, dẫn đến tình trạng gạch ở chân tường bị mủn, gạch ở nhiều vị trí bị xô lệch và mất liên kết.

KTS Đặng Khánh Ngọc – Viện Trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Theo quy định tại điều 19 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL thì sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan quản lý trực tiếp địa điểm khảo cổ chịu trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ đã được thăm dò, khai quật”.

Các di tích sau khi khai quật, phát lộ cần phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để bảo vệ các cấu trúc khỏi những điều kiện tác động của thời tiết bất thường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu trùng tu sau khai quật ở các di tích Champa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO