Góc suy ngẫm

Thời gian như cỏ mọc lên

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/08/2024 08:48

Trên vùng đất đậm đặc di tích như Quảng Nam, cảm thức về sức nặng thời gian từng ngày thử thách sự tồn tại của di sản luôn thường trực. Bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di sản, là điều thao thức, trăn trở qua bao tháng năm…

Hệ thống di tích ở Quảng Nam gồm đủ loại hình lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh với 458 di tích được xếp hạng.

Trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 67 di tích quốc gia và 387 di tích cấp tỉnh. Để hình dung mức độ đậm đặc di tích rõ rệt nhất là ở vùng đất nhỏ hẹp như Hội An, có số lượng di tích - danh thắng đưa vào danh mục bảo vệ lên đến hơn 1.400 di tích.

Nói thời gian như cỏ mọc lên không chỉ là hình tượng của thơ ca, mà là ở sự phủ lấp của gian nan trong thực trạng đã, đang và sẽ phải đối mặt khi giữ gìn di sản, di tích.

Tiền nhân đã để lại cho hậu thế người Quảng rất nhiều di tích, nên việc mang vác sứ mệnh bảo tồn di sản ký ức là phúc hạnh nhưng đồng thời cũng là gánh nặng khi luôn phải chống sự xâm thực, hủy hoại của các vị thần hủy diệt mang tên thời gian và thời tiết khí hậu. Những di tích như cụ già, phải còng lưng chống chịu sự tàn phá từ bên ngoài lẫn bên trong.

Cỏ là thứ dễ trông thấy từ chân đến nách kẽ, đỉnh tháp cổ. Vùng đất sừng sững những cụm ba tháp nổi tiếng Chiên Đàn, Khương Mỹ, cỏ và rêu thường bám đầy tháp mà qua bao bận phát dọn vẫn không ngớt tái sinh.

Một cây tháp nổi tiếng – linga to nhất Đông Dương, như tháp Bằng An (Điện Bàn) nếu để vài năm không dọn thì cây cỏ phủ trùm, ở đỉnh nóc trống thậm chí có những thứ như “bonsai ngược” dai dẳng bám trụ vào kẽ gạch, hút sinh lực và gây nứt vỡ dần dần.

Và đừng nhìn bề ngoài với cái “thích thú rêu phong Chùa Cầu” mà quên chuyện đau đầu là phải làm sao để rêu không gây ẩm mục mái ngói như các ngôi chùa, đình làng, nhà cổ. Vô số tác động đến di tích cổ, nhất là các công trình kiến trúc có sử dụng gỗ, gạch, ngói bị mục nát do rêu cỏ phủ lên, lại thêm mối mọt ăn mòn, phong hóa, muối hóa…

Nắng lắm mưa nhiều, mỗi năm lại thường có khoảng 10 cơn bão, cả chục trận lụt to nhỏ, khiến lòng người vò võ lo di tích ngàn năm, trăm năm bị sụp đổ.

Nên việc giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo, trùng tu vẫn cứ canh cánh, mà tiền của đâu phải dễ có và cũng không dễ chọn phương cách trùng tu khả dĩ.

Như Phật viện Đồng Dương đó, là di tích quốc gia đặc biệt, có tuổi hơn nghìn năm, nguy cơ sụp đổ tháp Sáng hiện hữu nhưng kêu hoài vẫn chưa thể trùng tu, không chỉ vì tiền mà còn khó ở việc chọn cách thức tu bổ thế nào, phục dựng ra sao. Trong khi đó, hàng giờ hàng ngày di tích này tiếp tục bị cỏ xâm hại, như ghi nhận của Đoàn chuyên gia của Tổ chức Khảo cổ Ấn Độ.

Không chỉ rêu cỏ, mối mọt, nắng mưa, bão lụt… luôn thách thức khả năng chống chịu của di tích, mà còn có những va đập khác làm cho sự sống còn của di tích quá gian nan qua thời gian.

Ngay ở Hội An, nhu cầu của đời sống thực tại luôn va đập với công cuộc bảo tồn. Người dân phố cổ đã cố gắng giữ gìn di sản, tránh việc cơi nới, sửa chữa nhằm bảo tồn “tính nguyên gốc” của di tích nhưng có nhà cổ hư nát thì không dễ được phép trùng tu tức thì, trong khi việc sinh hoạt thường ngày vẫn bị nhiều bất tiện vây bủa mà người đứng ngoài không thể hình dung hết.

Thời gian là phép màu cho sự sinh sôi, trưởng thành, nhưng cũng là kẻ thù dẫn ta tiến gần đến… cái chết. Thời gian đã làm cho bao di tích cũ dần đến cổ, trở nên giá trị cho ký ức hoài niệm cuộc đời, nhưng cũng biến nàng công chúa thành bà già hom hem nhiều bệnh tật. Chống đỡ với sự tàn phá dung nhan qua biến thiên thời gian, đôi khi cũng đành nói với thế hệ kế tục, như câu thơ rằng:

Mời em vào quán thời gian
Khuấy ly ký ức uống làn hương xưa

(Quán thời gian - Trương Nam Hương)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thời gian như cỏ mọc lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO