Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Có hai trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Thứ nhất, các quận huyện, phường xã phải sắp xếp khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định; thứ hai, khuyến khích việc sắp xếp quận huyện, phường xã còn lại để giảm số lượng đơn vị hành chính. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập trong giai đoạn này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Lê Thị Nga cho biết, nghị quyết lần này đã lường trước việc có thể “lách” nghị quyết, nhân sự kiện sắp xếp này để bổ nhiệm. Theo đó nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại những nơi này. Việc tạm dừng công tác cán bộ sẽ kéo dài từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cụ thể; trừ trường hợp khuyết người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của pháp luật thì được bầu, bổ nhiệm chức danh đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Nguyễn Khắc Định cho hay, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chỉ một số giấy tờ phải đổi. Với cá nhân, phải điều chỉnh hộ khẩu nếu thay đổi địa chỉ ở; cấp chứng minh thư nhân dân và thẻ căn cước thì không bắt buộc, chỉ đổi khi công dân có nguyện vọng và không thu phí; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không cần đổi. Với doanh nghiệp, cập nhật bổ sung thông tin trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu có thay đổi địa chỉ và không thu phí.
T.S