Thu ngân sách năm 2024 của Quảng Nam được ấn định thấp hơn cả dự toán và thực hiện năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này có đạt hay không thì vẫn phải chờ vào chuyển động của thị trường.
Kế hoạch ngày càng giảm
Con số 23.600 tỷ đồng thuế phải thu năm 2024 theo ấn định của HĐND tỉnh, bao gồm: thu nội địa 20.100 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì chỉ 17.300 tỷ đồng) và thu xuất nhập khẩu 3.500 tỷ đồng.
Sở Tài chính cho biết thuế xuất nhập khẩu chỉ là “thu giúp Trung ương”. Tuy nhiên, tăng, giảm số thuế này sẽ ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách và tăng trưởng GRDP địa phương, nên dự toán đưa ra thấp hơn 2023 (3.500/5.800 tỷ đồng của năm 2023), nhưng vẫn tăng 6,8% so ước thực hiện năm 2023 (3.500/3.071 tỷ đồng của năm 2023).
Số thu này chủ yếu dựa vào thuế nhập khẩu bộ linh kiện, linh kiện rời ô tô, nguyên liệu, thiết bị của Trường Hải (chiếm 72,1%) và của 60 doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn lại (27,9%).
Theo tính toán của Cục Thuế, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ 835 tỷ đồng (98,2% năm 2023), chủ yếu thủy điện, nhưng phụ thuộc thời tiết, điều hòa của Tập đoàn Điện lực, nên dự toán chỉ khoảng 570 tỷ đồng.
Số còn lại, dự kiến một số doanh nghiệp ngành may không còn đơn hàng sản xuất, nên số nộp chỉ khoảng 265 tỷ đồng (91,4% năm 2023). Không có năng lực mới tăng thêm, doanh nghiệp công ích tăng trưởng thấp, du lịch chưa hồi phục, doanh nghiệp nhà nước địa phương chỉ có thể đạt đến 70 tỷ đồng (bằng 80,5%).
Số nộp ngân sách của bia không ổn định, tăng giảm thất thường, đang có xu hướng giảm dần. Nam Hội An phụ thuộc vào lượng khách quốc tế, số nộp chủ yếu từ doanh thu dịch vụ casino.
Số thu từ doanh nghiệp FDI chỉ ấn định 1.480 tỷ đồng (bằng 87,1% năm 2023). Số thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngân sách địa phương là khối công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh được dự toán 12.486 tỷ đồng, chỉ bằng 87,1% năm 2023 và bằng 94,3% ước thực hiện năm 2023.
Theo dự toán này, dễ dàng nhìn thấy kế hoạch thu ngân sách ngày càng giảm sút (chỉ bằng 88,5% dự toán năm 2023, bằng 98,5% số ước thực hiện 2023), không như chủ trương thu ngân sách đã được định hình từ nhiều năm là năm sau luôn phải được lập dự toán thu tăng hơn năm trước ít nhất từ 9-10%.
Tất cả khoản thu chủ yếu năm 2024 đều thấp hơn dự toán lẫn thực hiện năm 2023, trừ tiền sử dụng đất tăng 17,4% dự toán, tăng 35% so thực hiện năm 2023. Cơ cấu thu nội địa không có gì thay đổi khi vẫn 50% từ Trường Hải và 50% từ số doanh nghiệp, sắc thuế còn lại (9.300/17.300 tỷ đồng).
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, thu ngân sách năm 2022 đã đạt đến con số kỷ lục (hơn 34.000 tỷ đồng). Số thu này khó có thể tìm thấy lại trong ngắn hạn. Điều đó đã được chứng minh khi số thu ngân sách năm 2023 không đạt dự toán (23.951/26.680 tỷ đồng, bằng 89,8% dự toán, chỉ bằng 71,6% so thực hiện năm 2022).
Theo ông Phong, bất ổn thị trường thế giới, chiến sự nhiều nơi. Tỷ suất hối đoái, giá vàng nhảy múa, biến động khó lường. Chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu nguồn nguyên liệu khiến xuất, nhập khẩu gặp khó khăn.
Bất động sản đóng băng, tín dụng bị siết, chưa biết khi nào được gỡ bỏ. Số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường (1.100 doanh nghiệp) và các dự án đầu tư mới chỉ trong giai đoạn khởi động, chưa thể đóng góp được gì... Những yếu tố bất lợi đó, sẽ ảnh hưởng mạnh đến thu ngân sách năm 2024.
Tăng cường đốc thu ngân sách
Nguồn lực chi tiêu của địa phương dựa vào số thu nội địa. Nếu thu đủ 17.300 tỷ đồng (không bao gồm thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết 2.800 tỷ đồng), thì địa phương được hưởng 14.015 tỷ đồng (điều tiết về Trung ương 3.285 tỷ đồng). Con số này giảm 962 tỷ đồng so dự toán năm 2023.
Ông Đặng Phong nói, chưa có năm nào khó khăn cân đối dự toán như năm 2024 khi không có nguồn tăng thu. Chỉ còn cách duy nhất là tìm mọi phương thức để đốc thu ngân sách.
Cục Thuế đã dự lường con số thu nội địa năm 2024 bằng các địa chỉ cụ thể. Về lý thuyết, việc ấn định con số thu thấp hơn dự toán và cả số thực hiện năm 2023 có vẻ “dễ thở” hơn, nhưng mọi con số đều chỉ là dự báo.
Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường không hề suy giảm. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra có khoảng 77% doanh nghiệp sẽ chỉ hoạt động cầm chừng, không đủ sức mở rộng sản xuất khi chưa nhìn thấy sự thay đổi nào của thị trường.
Ngay con số thuế sử dụng đất năm 2023 không thể thực hiện được (chỉ đạt 87%, hụt 300 tỷ đồng). Thay vì dự toán 2.300 tỷ như năm cũ, hoặc giao thấp hơn, năm 2024 lại ấn định lên đến 2.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, giao tiền sử dụng đất tăng thêm 400 tỷ. Số giao lớn, nguy cơ không đạt vì không biết, chưa có địa chỉ nào để thu.
Cục trưởng Cục Thuế - Nguyễn Văn Tiếp cho hay, nỗ lực thu ngân sách đã được “mặc định” cho ngành thuế trong việc khai thác triệt để các nguồn thu, chống thất thu, gian lận thuế, thu hồi nợ đọng...
Sẽ gặp khó khăn, nhưng toàn ngành thuế sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, cũng cần sự hợp lực của các sở, ngành trong việc thu hồi nợ đọng, chống thất thu tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh vận tải (đã ký biên bản cam kết với Sở GT-VT, Công an tỉnh).
Các cơ quan hữu trách phối hợp với cơ quan thuế tăng cường quản lý nghĩa vụ kê khai thuế các chi nhánh, địa điểm kinh doanh ngoại tỉnh, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu vãng lai các công trình lớn trên địa bàn có nhà thầu là doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện. Đặc biệt là các gói thầu nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14E, quốc lộ 1A, cầu Tam Kỳ và các gói thầu thuộc dự án hoàn thiện đường 129... để tăng thu cho ngân sách.
Lãnh đạo một số địa phương khuyến cáo cần tìm thêm giải pháp thích hợp. Nhiều doanh nghiệp đã phải cân nhắc đầu tư vào địa phương vì không kham nổi giá đất. UBND tỉnh, cơ quan quản lý nên tính đến chuyện giảm giá đất để thu hút nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh... tạo nguồn thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Hồng Quang yêu cầu cơ quan tài chính theo dõi, đánh giá, phân tích đầy đủ, kịp thời tác động của các chính sách kích cầu, thuế, thị trường,... đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Kiên quyết xử lý việc trốn, gian lận, chây ì về nghĩa vụ nộp ngân sách, đốc thu các dự án quỹ đất... Theo dõi tiến độ thu ngân sách, nhất là ô tô, bia, thủy điện,... kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo phù hợp.